Bộ Công an muốn báo chí tiết lộ nguồn tin

Trả lời cử tri, Bộ Công an cho biết sẽ đề xuất sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng yêu cầu báo chí cung cấp nguồn tin rộng rãi hơn để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.

Cho rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đạt kết quả cao, cử tri 3 tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, nhất là đối với vụ xảy ra tại tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines, vụ việc có liên quan đến hoạt động ngân hàng...

Trong văn bản trả lời, Bộ Công an thừa nhận, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và trong các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, như vụ Vinashin, Vinalines...

Vấn đề cung cấp nguồn tin một lần nữa được Bộ Công an xới lại trong văn bản trả lời cử tri. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Vấn đề cung cấp nguồn tin một lần nữa được Bộ Công an xới lại trong văn bản trả lời cử tri. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, một trong những hướng giải quyết được Bộ Công an đưa ra là sẽ tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể, Bộ cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi điều 7 Luật Báo chí theo hướng "chánh án TAND, viện trưởng VKSND và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng".

So với Luật Báo chí hiện hành, đề xuất này quy định rộng hơn các trường hợp buộc báo chí phải cung cấp nguồn tin. Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Đề xuất này từng được đề cập vào năm 2012 trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng, cụ thể: "Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Tuy nhiên, kiến nghị này đã bị bác bỏ.

Nguồn: VnExpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast