Bộ Kế hoạch Đầu tư không nắm được sai phạm ở Vinalines

Giải trình trước Quốc hội chiều 13-6, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng với cơ chế giám sát hiện tại, cơ quan quản lý không có cách nào phát hiện sớm sai phạm nếu các tập đoàn, tổng công ty không chịu báo cáo.


Là thành viên thứ hai của Chính phủ đăng đàn trong phiên chất vấn ngày 13/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh nhận được nhiều chất vấn xung quanh việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty cũng như quản lý các dự án sử dụng vốn ODA…

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng không thể giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiến Dũng.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng không thể giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiến Dũng.

Trả lời thắc mắc của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) xung quanh những sai phạm gần đây tại các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng Vinh cho rằng, về nguyên tắc, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các cơ quan khác của Chính phủ đều có trách nhiệm trong những vụ việc này. Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ trưởng, do các văn bản pháp luật hiện hành chưa có chế tài riêng đối với các doanh nghiệp Nhà nước, nên việc giám sát gặp rất nhiều khó khăn.

Trước năm 2005, Việt Nam có luật riêng dành cho doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, để giải phóng sức sản xuất, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã không phân biệt loại hình này, doanh nghiệp Nhà nước được trao quyền tự chủ lớn hơn, được tự chủ trong các dự án đầu tư, không phải báo cáo.

“Chính vì lý do này mà trong nhiều trường hợp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng chịu, không thể tiếp cận thông tin. Ngay đến Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đến mà doanh nghiệp còn không tiếp. Chính vì vậy mà những sự vụ như ở Vinashin, Vinalines, thực sự chúng tôi không nắm được”, Bộ trưởng Vinh chia sẻ. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương là cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, có chức năng nghiên cứu và đề xuất về thể chế, chính sách, kế hoạch hóa, cơ chế quản lý kinh tế, môi trường kinh doanh, cải cách kinh tế...

Cũng theo Bộ trưởng, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với giám sát các tập đoàn, tổng công ty là mâu thuẫn giữa việc thực hiện vai trò quản lý Nhà nước và chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp. Văn bản hướng dẫn thực tế đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thành từ năm 2010. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên tại thời điểm đó, Chính phủ đã cho dừng lại để nghiên cứu. “Cách đây hơn một tháng, chúng tôi lại trình và được Thủ tướng nghe thảo luận. Trong vòng một, hai tháng tới, Chính phủ sẽ bàn lần cuối trước khi cho áp dụng chính thức”, Bộ trưởng cho biết.

Chia sẻ với phần trả lời của người đứng đầu ngành Kế hoạch & Đầu tư, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, kế hoạch phát triển 5 năm của các tập đoàn, tổng công ty về nguyên tắc phải được Thủ tướng phê duyệt sau khi có ý kiến của các Bộ hữu quan, cụ thể với Vinalines được duyệt năm 2006. Tuy nhiên, về các dự án đầu tư cụ thể của doanh nghiệp thì lại chưa có chế tài rõ ràng. Thêm vào đó, theo Bộ trưởng, phần lớn những sai phạm gần đây tại các tập đoàn, tổng công ty đều có vai trò chủ yếu của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp. Bản thân Bộ Tài chính trước đó cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo và đưa ra nhiều đề xuất về tình trạng sức khỏe tài chính của Vinalines.

Vinalines thua lỗ và nguy cơ gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng là câu chuyện được các đại biểu Quốc hội bàn nhiều tại kỳ họp này, kể cả trên diễn đàn chính thức hay khi trao đổi với báo chí tại hành lang. Theo nhiều đại biểu, để xảy ra sai phạm liên tiếp tại các tập đoàn, từ Vinashin rồi tới Vinalines, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cho thấy đã đến lúc cấp thiết sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp này.

Cũng trong buổi chất vấn chiều 13/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cũng nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu xung quanh vấn đề chi phí tái cơ cấu nền kinh tế, thắt chặt đầu tư công cũng như quản lý vốn ODA.

Về tái cơ cấu kinh tế, Bộ trưởng thừa nhận thắc mắc của các đại biểu là chính đáng cho thay đổi chắc chắn sẽ cần nguồn lực. “Tuy vậy, nguồn lực ở chỗ nào thì cần phân định rõ. Ví dụ tái cơ cấu doanh nghiệp thì dù Nhà nước hay tư nhân thì doanh nghiệp cũng phải tự bỏ ra”, ông Vinh khẳng định.

Theo phân tích của Bộ trưởng, sẽ không có một gói “bao nhiêu nghìn tỷ” để tái cơ cấu. Thay vào đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng chính sách, để các bộ phận trong nền kinh tế thấy lợi mà làm theo. “Có thể có miễn giảm, ưu đãi, hỗ trợ công nghệ nguồn ở chừng mực nhất định. Những giải pháp này sẽ có tại các đề án thành phần. Khi đó mới tính được chi phí tương đối”, ông Vinh cho biết. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thừa nhận việc tái cơ cấu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lao động, việc làm. Do đó, Nhà nước sẽ phải quan tâm hơn đến các chính sách an sinh xã hội, đào tạo, chuyển nghề, có quỹ hỗ trợ thất nghiệp…

Bộ trưởng cũng khẳng định việc thắt chặt, chống dàn trải đầu tư công. Ông Vinh cũng thừa nhận “cái sai” của cơ quan quản lý khi phân bổ vốn chậm cho các công trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn đầu năm. Riêng về quản lý vốn ODA, đặc biệt là vụ Đan Mạch dừng vốn cho 3 dự án để làm rõ, Bộ trưởng cho biết cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp điều tra và sẽ sớm có câu trả lời.

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast