Cái tát định mệnh!

Ngay cả khi bản án đã được tuyên, Lê Văn Kiều vẫn không thể tin bàn tay mình lại có “sức mạnh phi phàm” đến thế. Một cái tát, một người sống thực vật và bản thân Kiều phải chịu hình phạt 44 tháng tù giam là cái giá phải trả cho cuộc chơi của các “ma men”.

>> 44 tháng tù cho kẻ cố ý gây thương tích

Chiều đông hôm đó, Lê Văn Kiều (SN 1980, trú tại xã Thạch Châu, Lộc Hà) và các “chiến hữu” là người cùng xã tổ chức đi nhậu tại một quán rượu ở xã Mai Phụ. Cũng như các cuộc chơi thông thường khác, sau một chầu túy lúy, khi đã “sương sương”, mấy anh em rủ nhau vào quán bi-a chơi tiếp “tăng 2”.

Trong cuộc đấu bi-a đó, dù không cá cược nhưng ai cũng muốn chứng minh mình là “cao thủ”. Không chịu “dưới cơ”, sẵn có hơi men nên giữa Lê Văn Phương và Nguyễn Đình Ánh xảy ra cự cãi, xô xát nhau. Mặc dù được nhiều người can ngăn nhưng thói thường là vậy, rượu dễ biến người ta thành “anh hùng rơm”, càng đánh càng hăng.

Kiều chẳng biết nói gì ngoài 2 từ: giá như…
Kiều chẳng biết nói gì ngoài 2 từ: giá như…

Thấy việc “không ổn”, Lê Văn Kiều xông vào tách Ánh và Phương ra. Là “bậc đàn anh”, Kiều không quên “tặng” cho 2 chú em mỗi người 1 cái bạt tai uy lực. Do “thất thế” nên Nguyễn Đình Ánh bị ngã đập đầu xuống đất, bất tỉnh.

Không tin rằng cú tát của mình mạnh đến thế, nghĩ đơn giản là do rượu nên Kiều chở Ánh về nhà. Thế nhưng, kể từ đó, Ánh bất tỉnh, đến sáng hôm sau được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau gần nửa năm điều trị tích cực ở các bệnh viện, Ánh ra viện trong tình trạng liệt toàn thân với tổn hại sức khỏe 96,36%.

Tại phiên tòa hôm ấy, Hội đồng xét xử đã nhiều lần tuyên truyền, giải thích, dù đã hiểu ra tội lỗi của mình nhưng Kiều vẫn không muốn tin vào kết cục cay đắng này. 44 tháng tù giam, 100 triệu đồng bồi thường thiệt hại và tiền cấp dưỡng 1,2 triệu đồng/tháng cho đến khi Ánh qua đời là một gánh nặng quá sức với Kiều.

Đối mặt với án phạt tù, nghĩ về khoản tiền bồi thường quá lớn trong khi gia cảnh bần hàn, khiến đôi mắt Lê Văn Kiều tối sầm lại. Án phạt tù rồi cũng sẽ thi hành xong, nhưng với điều kiện kinh tế của gia đình, Kiều biết chắc rằng, tiền bồi thường thiệt hại và tiền cấp dưỡng sẽ còn lâu mới thực hiện được.

Được Hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng, Kiều chẳng biết nói gì. Cúi gằm trước vành móng ngựa, bị cáo chỉ lẩm nhẩm 2 từ: giá như…

Vâng, giá như không có cuộc rượu của buổi chiều định mệnh; giá như không quá sa đà vào những cuộc chơi; giá như không vung cái tát thể hiện “đàn anh” thì Kiều đã không phải đứng trước vành móng ngựa, Ánh không phải chỉ được nhìn bầu trời qua ô cửa sổ và gia đình bị cáo, nạn nhân không phải chịu những mất mát quá lớn này.

Tuy nhiên, chắc chắn một điều mà Kiều vẫn chưa kịp nhận ra rằng, đằng sau cái “giá như” là hậu quả tất yếu của những cuộc chơi vô bổ, của nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật kém. Quan trọng nhất là kỹ năng sống, văn hóa ứng xử chưa được những con người như Kiều, Phương và Ánh trang bị đủ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast