Cần tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở.

Hầu như ai cũng công nhận rằng trong cuộc sống thường ngày không hiếm những lúc nảy sinh xung đột, tranh chấp, va chạm. Đặc biệt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, những tranh chấp về quyền lợi và nghĩa vụ trong nội bộ nhân dân ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đó đòi hỏi việc giải quyết sao cho hợp lý, hợp tình; bảo đảm hài hòa các lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng và lợi ích toàn xã hội, phù hợp quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Tôi đã có dịp trao đổi với một cán bộ Công an Hà Tĩnh, anh cho rằng với thực tế cơ chế hoạt động của các cơ quan tư pháp như hiện nay, việc giải quyết các tranh chấp hầu như dồn hết vào các cơ quan như: Công an, Thanh tra, Tòa án, Tư pháp... ở các cấp. Việc này làm cho nhiều lúc ở không ít nơi xảy ra tình trạng quá tải, đơn thư vượt cấp nhiều, trong khi đó nhiều vụ việc phát sinh có thể được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở bởi chính người dân sống trong cộng đồng. Vì vậy theo anh, cùng với đẩy mạnh tiến trình thực hiện dân chủ cơ sở, thu hút sự tham gia của nhân dân vào quản lý xã hội, cần phải coi công tác hòa giải ở cơ sở là một cơ chế đặc biệt để giải quyết các tranh chấp ngay từ lúc mới phát sinh, có sự tham gia chủ động tích cực từ nhân dân.

Theo ông Phan Văn Hồng (Nghi Xuân) do có nguồn gốc từ "Con Rồng, Cháu Tiên", từ xa xưa, người Việt Nam với truyền thống tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau; việc hòa giải các mâu thuẫn tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân ở cơ sở đã xuất hiện từ lâu. Từ chỗ chỉ là một hoạt động mang tính tự phát trong nội bộ nhân dân, đến nay, hòa giải đã trở thành hoạt động của một tổ chức được Nhà nước thừa nhận, được điều chỉnh bởi các chế định pháp luật và đang tích cực phát huy hiệu quả trong thực tế. Hòa giải ở cơ sở có ưu điểm là giải quyết kịp thời những tranh chấp nhỏ về quyền và lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình hoặc các mâu thuẫn nhỏ trong đời sống sinh hoạt cộng đồng; bằng các biện pháp vừa có lý vừa có tình, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Hoạt động hòa giải ở cơ sở do nhân dân trực tiếp thực hiện mang tính thuyết phục, tự nguyện mà không phán quyết, cưỡng chế nên đây là một trong những hoạt động góp phần thiết thực vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, củng cố khối đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong đời sống xã hội.

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Nhất Phong, cán bộ phụ trách Tư pháp thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) cho rằng chuyện hàng xóm cãi cọ, anh em mâu thuẫn, vợ chồng giận dỗi nhau ở địa phương nào cũng có lúc xảy ra. Cái khéo của cán bộ làm công tác hòa giải là nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện xung đột để giải quyết. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, ở thị trấn Tây Sơn, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 156 vụ; tỷ lệ hòa giải thành công đạt 90%. Cũng theo ông Phong, người làm công tác hòa giải phải có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, am hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, đồng thời phải là những người có uy tín trong nhân dân, có khả năng thuyết phục nhân dân. Người cán bộ hòa giải bằng tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm sống, trình độ hiểu biết pháp luật, thái độ mềm mỏng, phân tích đúng sai, phải trái, góp phần hàn gắn tình cảm giữa các cá nhân trong cộng đồng.

Những năm qua, với sự nỗ lực chủ động của các cơ quan tư pháp, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng và chính quyền, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và đạt được những kết quả bước đầu; góp phần vào việc giữ gìn sự bình yên cho mỗi gia đình, củng cố trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở trong một bộ phận nhân dân cũng như một số cơ quan Nhà nước chưa được đầy đủ. Vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở nhiều nơi còn mờ nhạt, chưa phát huy hiệu quả.

Từ thực tế ấy nhân dân mong muốn Nhà nước nên bổ sung chế độ chính sách hợp lý hơn nữa đối với hòa giải viên đồng thời tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, khi tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hòa giải, cơ quan chủ quản cần chú ý tính chất địa bàn. Ở khu dân cư thành thị, chú trọng kinh nghiệm xử lý những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, buôn bán, sử dụng cầu thang, ngõ đi chung. Ở vùng nông thôn, quan tâm giải quyết mối bất hòa trong gia đình, dòng họ, những hủ tục, ranh giới ruộng đất. Có như vậy mới làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast