Cảnh giác với nạn trộm cắp xe đạp điện

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, xe đạp điện dần trở thành phương tiện tham gia giao thông chính của rất nhiều người. Đối với học sinh, sinh viên, xe đạp điện gần như là thứ tài sản và cũng là món đồ trang sức. Tuy nhiên, chủ nhân của nó dường như chưa đánh giá đúng giá trị thực của loại tài sản này để có biện pháp bảo vệ, quản lý thỏa đáng, vì thế, vô hình trung đã tạo điều kiện cho những đối tượng trộm cắp ra tay khi “mỡ treo miệng mèo”.

Cảnh giác với nạn trộm cắp xe đạp điện ảnh 1

2 đối tượng: Nguyễn Hữu Cường (SN 1994) và Nguyễn Văn Đại (SN1991), đều trú tại xã Sơn Lộc (Can Lộc) trộm xe đạp điện ở xã Quang Lộc đưa vào TP Hà Tĩnh tiêu thụ thì bị bắt

Cuối năm, M. - con chị gái tôi được bố mẹ sắm cho 1 chiếc xe đạp điện. Cu cậu khoái lắm, suốt ngày lau chùi, chăm chút, cứ ra khỏi nhà là tót lên xe. Thế nhưng, ngay sau tết lại thấy cu cậu trở về với chiếc xe đạp thường. Hỏi ra mới biết, cách đây mấy hôm, nó dựng xe trước quán internet, lúc quay ra thì chiếc xe đã “không cánh mà bay”. “Bố, mẹ mắng cho một trận, rồi thôi, chẳng trình báo gì vì biết khi mô mới tìm lại được. Tiếc đứt ruột cậu ạ!” – M. tiếc rẻ.

Có thể thấy rằng, thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ trộm cắp xe đạp điện. Gần đây nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Cù Huy Hưng (SN 1997, trú tại thôn 3, xã Sơn Long, Hương Sơn) về hành vi trộm cắp xe đạp điện Yamaha trị giá 8 triệu đồng của chị Trần Thục Hiền - học sinh Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

Địa điểm xảy ra mất trộm thường là các quán cà phê, các tiệm internet... Đối tượng trộm cắp tài sản thường lợi dụng lúc chủ xe sơ hở, không rút chìa khóa, không có khóa dự phòng hoặc không có người trông giữ. Sở dĩ, tội phạm trộm cắp lựa chọn loại xe này bởi xe đạp điện thông dụng, có giá trị cao, dễ tiêu thụ. Mặt khác, chủ nhân xe đạp điện hầu hết là học sinh, sinh viên thường chủ quan, sử dụng xe nhưng không có khóa dự phòng.

Bên cạnh đó, mặc dù có giá hàng chục triệu đồng nhưng xe đạp điện lại không đăng ký biển số nên kẻ cắp dễ dàng mang đi tiêu thụ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chỉ cần đối tượng trộm cắp thay đổi một vài chi tiết là khó phát hiện ra. Đó là chưa nói, nhiều gia đình coi chiếc xe đạp điện chỉ như một món đồ “trang sức” của con em mình, “mất thì thôi” nên không trình báo, không truy tìm. Chính tâm lý đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp liều lĩnh, ra tay chiếm đoạt khi có cơ hội vì chúng nghĩ rằng, “người bị mất dễ dàng… cho qua”.

Trường hợp đối tượng Lê Thị T. ở Thạch Hà vừa bị Công an TP Hà Tĩnh bắt giữ là một ví dụ điển hình. Thậm chí, ngay sau khi “chôm” được chiếc xe đạp điện trên địa bàn thành phố, T. vẫn ngang nhiên sử dụng vì nghĩ rằng, chưa chắc đã bị phát hiện. Chiếc xe đạp điện này chỉ bị phát hiện, thu giữ qua lời khai của T. khi bị bắt bởi một vụ trộm cắp khác.

Để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm thì trước hết phải làm tốt công tác phòng ngừa. Bản thân mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, hạn chế đến mức thấp nhất điều kiện cho người khác phạm tội. Có như vậy, không chỉ bảo vệ tài sản cá nhân mà còn góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast