“Chia tình không phải là hết nghĩa”

(Baohatinh.vn) - Trong tiềm thức, suy nghĩ của nhiều người, chốn công đường là nơi phán quyết, là các quyết định, bản án thể hiện sự nghiêm minh và có phần lạnh lùng của pháp luật. Thế nhưng, trong thực tế, hoạt động giải quyết án của TAND huyện Cẩm Xuyên, đặc biệt là án hôn nhân gia đình (HNGĐ) lại mang đậm tính nhân văn...

Năm 2013, TAND huyện Cẩm Xuyên thụ lý 80 vụ án kiện HNGĐ. Một con số quá lớn so với tòa án cấp huyện đang còn thiếu về đội ngũ cán bộ. Chánh án Hoàng Xuân Huệ cho biết: Cùng với việc gia tăng các loại án, tính chất phức tạp của hành vi, việc thụ lý, giải quyết của TAND huyện gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, án HNGĐ tăng cao khiến cán bộ, thẩm phán TAND huyện rất vất vả, mất nhiều thời gian, tâm sức trong giải quyết. Tuy nhiên, không vì thế mà việc giải quyết án được thực hiện “qua quýt”, trái lại, Tòa án Cẩm Xuyên đã tập trung cao cho việc giải quyết các vụ án HNGĐ với tâm niệm rằng, phải làm thế nào để mỗi cặp vợ chồng sau khi ly hôn vẫn còn chữ “nghĩa” để đối xử với nhau.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Với tâm niệm đậm chất nhân văn, năm qua, TAND huyện Cẩm Xuyên đã hòa giải, công nhận thuận tình ly hôn 61 vụ, đặc biệt là hòa giải thành, vợ chồng đoàn tụ sau khi “dắt díu nhau ra tòa” được 1 vụ. Đạt được kết quả này, đòi hỏi mỗi cán bộ, thẩm phán khi giải quyết phải hết sức tâm huyết, trách nhiệm và dày dạn kinh nghiệm. Khi thụ lý một vụ kiện HNGĐ, thẩm phán phải nhiều lần gặp gỡ các bên, nắm rõ nguyên nhân, diễn biến tâm tư tình cảm của vợ, chồng. Trên cơ sở đó, phân tích những được mất khi ly hôn, nhấn mạnh về mất mát, thiệt thòi của con cái trong và sau những phiên tòa. Đồng thời, về tận nơi cư trú để nắm bắt tình hình, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Điều cần nhất là để những người chồng, người vợ hiểu rằng, “chia tình không phải là hết nghĩa”, ly hôn chỉ là giải pháp chấm dứt quan hệ hôn nhân “cơ học” và sau khi chia tay, không để lại quá nhiều hiềm khích, thù hận trong lòng mỗi người.

Có nhiều lý do dẫn đến hôn nhân tan vỡ, nhưng “vợ chồng một ngày nên nghĩa”, phải hóa giải để họ giữ lại trong nhau một chút ân tình. Nhiều cặp vợ chồng, khi nộp đơn ra tòa với thái độ, tâm lý rất gay gắt, thù hận. Họ đòi tòa án phải phán quyết rạch ròi, “chia” tình cảm và chia hết tất cả mọi thứ. Từ trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi con, tài sản và nợ nần, thậm chí đến cái bát, đôi đũa cũng đòi chia. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ tòa án phân tích, lý giải, người chồng, người vợ hiểu ra và sẵn sàng cho nhau tất cả.

Điển hình như vụ kiện HNGĐ của anh N., chị Y. ở xã Cẩm Sơn. Chị Y. vốn là một giáo viên, giao tiếp, quan hệ rộng. Anh N. là một tài xế xe tải quanh năm chỉ biết đến những chuyến hàng. Cuộc sống vợ chồng “khập khiễng”, nhất là khi kinh tế có phần khá giả đã làm cho anh N. khó chịu, nghi ngờ lòng chung thủy của vợ. Khi phát hiện vợ có mối quan hệ “trên mức tình bạn” với người khác, tình cảm đổ vỡ, vợ chồng ký đơn ra tòa ly hôn. Ai cũng cho rằng, mình đúng, đòi nhiều hơn quyền lợi cho mình, căng thẳng, gay gắt lên đến đỉnh điểm. Thế nhưng, sau khi được “hóa giải”, họ thuận tình ly hôn. Chị Y. được quyền nuôi con theo quyết định của tòa mà không đòi hỏi anh N. phải có trách nhiệm gì, còn anh N. sẵn sàng để lại tất cả tài sản cho vợ con. Hay như trường hợp ly hôn của vợ chồng anh T., chị P. (xã Cẩm Huy). Tại tòa án, những vướng mắc trong lòng 2 người được hóa giải, họ chỉ yêu cầu tòa làm thủ tục ly hôn và quyền được nuôi con, còn tài sản tự giải quyết theo kiểu “của anh cũng như của chị”.

Rời phiên tòa ly hôn, 2 vợ chồng vẫn trân trọng, giữ chút nghĩa với nhau. Ánh mắt anh T., chị P. vẫn nhìn về nhau dù bước chân “mỗi người một hướng”…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast