Cựu chủ tịch Vinashin xin giảm nhẹ hình phạt

Ngày 28/8, TAND Tối cao mở phiên xử phúc thẩm xét kháng cáo của cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình, bị kết tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.


Phiên phúc thẩm được mở tại TAND Hải Phòng, dự kiến diễn ra đến ngày 30/8 do 8 trong 9 bị cáo liên quan vụ tiêu cực tại Vinashin có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên xử do thẩm phán Đào Thị Nga, Phó chánh Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao làm chủ tọa. Gần 20 luật sư tham gia bào chữa.

5 tháng trước, tại bản án sơ thẩm, TAND Hải Phòng tuyên phạt "ông tổng" Vinashin 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 7 người cùng tội danh lĩnh án từ 10 đến 19 năm.

Người duy nhất không kháng cáo là Nguyễn Tuấn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long), bị phạt 3 năm tù vì tội Sử dụng trái phép tài sản.

Với cương vị Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, ông Bình được cho là có vai trò đầu vụ với nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Vinashin... Đầu năm 2007, ông Bình được Công ty Maersk Broker (Singapore) môi giới mua tàu Cartour của Italia. Đây là tàu cũ được sản xuất năm 2001. Được đưa về nước, tàu chỉ chạy được 39 chuyến đã phải dừng hoạt động vì kinh doanh không có hiệu quả... Theo cáo buộc của VKS, việc cố tình mua con tàu đã gây thiệt hại hơn 470 tỷ đồng.

Ngoài việc mua tàu Hoa Sen nghìn tỷ trái chỉ đạo của Thủ tướng, ông Bình còn bị xác định có liên quan trách nhiệm trong vụ bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang không xin ý kiến tập đoàn; phê duyệt thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) khi chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng; nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu, gây thiệt hại trên 313 tỷ đồng...

9 bị cáo tại phiên sơ thẩm. Ảnh: TTXVN

9 bị cáo tại phiên sơ thẩm. Ảnh: TTXVN

Bất ổn tại Vinashin được đặt ra từ cuối năm 2009 khi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy tập đoàn này nợ gần 19.900 tỷ đồng, gấp 11 lần vốn chủ sở hữu. Đến đầu khi ông Bình bị bắt (tháng 8/2010), số nợ của Vinashin là hơn 80.000 tỷ đồng.

Án sơ thẩm nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tổng thiệt hại về tài chính tại Vinashin được xác định là hơn 900 tỷ đồng. Ông Bình phải chịu mức án cao nhất (20 năm); tiếp đó bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương) lĩnh án 19 năm tù; ông Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu) 11 năm; Tô Nghiêm (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, Quảng Ninh) 18 năm; Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 16 năm; Trịnh Thị Hậu (nguyên Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy) án 14 năm tù; Hoàng Gia Hiệp (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV CNTT, giám đốc Công ty cho thuê tài chính CNTT) 13 năm tù; Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) lĩnh 10 năm...

Trong vụ án này còn có 2 bị can đang bỏ trốn, bị truy nã là Hồ Ngọc Tùng (nguyên tổng giám đốc công ty tài chính TNHH một thành viên Công nghệ Tàu thủy) và Giang Kim Đạt (34 tuổi, nguyên trưởng phòng kinh doanh công ty vận tải Viễn Dương Vinashin).

Nguồn: VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast