Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới

(Baohatinh.vn) - Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ trong đời sống xã hội là một trong những nội dung quan trọng.

PV Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh về nội dung này.

Ban VSTBCPN huyện Lộc Hà và xã Phù Lưu phối hợp tổ chức Hội thi văn nghệ truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới.

Ban VSTBCPN huyện Lộc Hà và xã Phù Lưu phối hợp tổ chức Hội thi văn nghệ truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới.

- Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao hiểu biết cho chị em trên địa bàn toàn tỉnh về quyền của phụ nữ trong các văn bản pháp luật được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác PBGDPL về bình đẳng giới đến các tầng lớp nhân dân.

Hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh ban hành kế hoạch công tác, trong đó, tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới là một trong những lĩnh vực trọng tâm được tập trung chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã ban hành kế hoạch hoạt động; hàng quý, có các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.

Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và các nghị định hướng dẫn thi hành, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, ngành đều xây dựng chương trình, kế hoạch truyền thông, hành động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhờ đó, công tác tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới thời gian qua được tổ chức đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm nên thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Để pháp luật bình đẳng giới đến với cán bộ và nhân dân, các ngành, địa phương đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến phong phú, đa dạng như: thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, tạp chí, tờ rơi, hội thi tìm hiểu; thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ giữa nam và nữ, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của phụ nữ về vị trí, vai trò của họ và giúp họ khẳng định mình trong xã hội.

- Trên thực tế, tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn tồn tại, vậy cần có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, PBGDPL về bình đẳng giới vẫn còn một số hạn chế, có nơi, có lúc chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn.

Để công tác này đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, trước hết, cần tiếp tục quan tâm quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân; tăng cường hơn nữa sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới; không ngừng đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, gắn với các chương trình, dự án phát triển KT-XH ở từng ngành, địa phương; lồng ghép hoạt động giới với các hoạt động KT-XH một cách đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tăng cường mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về bình đẳng giới cho đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giúp họ có khả năng lồng ghép hiệu quả chính sách về giới vào chương trình phát triển KT-XH ở địa phương.

Đặc biệt, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở các cấp; kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật bình đẳng giới cho đội ngũ này, trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để họ có thể vận dụng kiến thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng.

- Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast