Đường đến án tử hình của một thương binh đặc biệt

Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Trần Văn An (SN: 1960), trú tại phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là một thương binh hạng 1/4 điều trị tại Trại thương binh tỉnh Nghệ An. Những vết thương trên đầu, cổ và chân, đặc biệt là mảnh đạn trong đầu thường xuyên hành hạ những lúc trái gió, trở trời nên mocphin là “thần dược” để giảm đau đối với An. Lâu dần thành quen, Trần Văn An trở thành nghiện thuốc cai nghiện.

Không chịu nổi những cơn hành hạ của vết thương, những cơn vật vã khi lên cơn nghiện, thỉnh thoảng An lại xin ra khỏi trại để lần mò tìm thuốc phiện. Ngày đó, dù thuốc phiện đang tương đối dễ kiếm nhưng vì không có tiền nên Trần Văn An phải sang Lào mua “tận gốc” về dùng dần. Trong những chuyến sang Lào như thế, An được trùm thốc phiện Xiêng My người Lào đưa vào “tầm ngắm”. Qua tay chân, Xiêng My bắt mối với An để thiết lập đường dây đưa “cái chết trằng” từ Lào vào Việt Nam. Từ đây, Trần Văn An bước vào con đường tội lỗi và đích đến là án tử hình.

Trần Văn An trước vành móng ngựa nhận án tử hình ngày 25-11-2009.
Trần Văn An trước vành móng ngựa nhận án tử hình ngày 25-11-2009.

Chiều 30-121996, Bua Phẳn, Phou Viêng đi xe ô tô sang Việt Nam mang theo 9 cặp (18 bánh) hê rô in của Xiêng My. Đến TP Vinh, Bua Phẳn gọi điện cho Trần Văn An và giao hàng. Nhận hàng xong, An thông báo cho Nguyễn Quang Thịnh ở TP Hồ Chí Minh ra nhà An lấy 2 bánh với giá 11.000 USD. Một ngày sau, khi Trần Văn An đang chuẩn bị đưa “hàng” vào TP Hồ Chí Minh thì Bua Phẳn lại sang TP Vinh và chuyển tiếp 6 bánh hê rô in. Lần này, mỗi cặp hê rô in, An trả cho Bua Phẳn 9.700 USD. Sau đó, An trực tiếp vào TP Hồ Chí Minh bán lại cho Thịnh với giá 11.000 USD /cặp.

Thấy việc mua bán tương đối “thông đồng bén giọt”, cuối tháng 2 và giữa tháng 3-1997, Bua Phẳn và Phou Viêng đã 2 lần đưa 50 bánh hê rô in sang bán cho Trần Văn An. Sau khi thanh toán đủ tiền, An gọi điện cho Thịnh ra xem, mua 2 cặp. Số còn lại, An trực tiếp đưa nhiều lần vào TP Hồ Chí Minh chủ yếu bán cho Thịnh. Ngoài ra, An đã bán cho Nguyễn Văn Ngọc 4 bánh hê rô in. Tổng số tiền trong các lần bán hê rô in tại TP Hồ Chí Minh, An và Thịnh chuyển về cho vợ là Nguyễn Thị Lan 3.384 triệu đồng. Ngoài ra, An còn trực tiếp nhận từ Thịnh một số tiền để chi tiêu, ăn uống và phục vụ cơn nghiện. Bằng chứng là trong các lần đi lại từ Vinh vào TP Hồ Chí Minh, An đã gửi lại cho Nguyễn Thị Giang 268 gam hê rô in để dùng dần.

Đường dây buôn bán “cái chết trắng” bị chặt đứt ngày 9-4-1997 trên địa bàn Hà Tĩnh. Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội phối hợp với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt quả tang Phou Viêng và Bua Phẳn đang vận chuyển 20 bánh hê rô in sang bán cho Trần Văn An. Qua lời khai của các đối tượng này, Xiêng My và 7 tên đồng bọn đã bị bắt, đưa ra xét xử. Lúc đó Trần Văn An đang “giao dịch” ở TP Hồ Chí Minh, biết tin y lập tức bỏ trốn.

Hơn 12 năm trốn lệnh truy nã, Trần Văn An cải trang làm đủ thứ nghề để sống tại một số tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, ma túy vẫn không rời y. Có thời gian, An làm nghề xe ôm để có tiền thỏa mãn cơn nghiện. Thế rồi An tìm đến một số đối tượng để thiết lập lại đường day buôn bán ma túy dù biết rằng án tử hình đang chờ sẵn mình. Ngày 13-2-2009, tại TP Vinh, An đã bị Cơ quan điều tra Công an TP Vinh bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Ngày 18-9-2009, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử, tuyên Trần Văn An tù chung thân về hành vi phạm tội này.

Ngày 25-11-2009, TAND tỉnh Hà Tĩnh đưa Trần Văn An ra xét xử về những hành vi phạm tội mà y đã lẫn trốn suốt hơn 12 năm qua. Có mặt tại phiên tòa hôm đó, tôi thật sự ngạc nhiên trước cách trình bày quá trình phạm tội rành rẽ, nhận tội rõ ràng và đón nhận mức án tử hình của bị cáo. Khi được nói lời sau cùng, Trần Văn An đã nói: “Bị cáo biết tội của mình là hết sức nghiêm trọng, mức án cao nhất phải chịu là tử hình nhưng vẫn mong tòa xem xét được tha tội chết. Con đường phạm tội của bị cáo một phần là do ngay từ đầu đã không hiểu được tác hại nguy hiểm của ma túy, không hiểu được con đường đến với ma túy là con đường chết và đã dính vào thì không thể dứt ra. Dù bây giờ là án tử hình thì từ lâu, tòa án lương tâm của bị cáo cũng đã xét xử mình một hình phạt cao nhất vì đã đưa lại đau khổ cho biết bao nhiêu người”.

Trong thời gian chờ nghị án, Trần Văn An đã tranh thủ nhắn nhủ người thân của mình có mặt tại phiên tòa. Nhìn cách bị cáo nói chuyện với người nhà một cách bình thản, không ai nghĩ chỉ chút nữa thôi y phải chịu mức án cao nhất. Chỉ khi đối diện với cậu con trai út đang học lớp 12, ánh mắt bị cáo chợt tối sầm lại, giọng nói trở nên u uất: “Bố có lỗi với các con. Hãy cố gắng học hành, đừng bao giờ lạc bước con trai nhé. Chắc bố không thoát khỏi án tử hình, đó là bài học đau đớn nhất mà bố phải trả giá”.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh tòa hình sự TAND Hà Tĩnh, chủ tọa phiên tòa cho biết: Trần Văn An là một bị cáo đặc biệt, thương binh đặc biệt và phạm tội cũng đặc biệt. Xét về góc độ cá nhân, khi tuyên án tử hình tôi cũng suy nghĩ nhiều nhưng pháp luật là pháp luật. Hình phạt không chỉ nhằm mục đích trừng trị mà nó còn mang tính chất răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Chỉ mong rằng đây là bài học cho tất cả những ai coi thường pháp luật.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast