Dứt tình, đoạn nghĩa !

(Baohatinh.vn) - Kết hôn 5 năm, cặp “trai tài, gái sắc” T. mà M. vẫn chưa có con. Áp lực từ phía gia đình và ngay cả cuộc sống vợ chồng khiến T. và M. thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Không có con chung – sợi dây tình cảm níu kéo nên họ dễ dàng chia tay.

Hôn nhân không đạt được mục đích, cuộc chia ly sẽ không ầm ĩ nếu như phía T. không quá “dứt tình, đoạn nghĩa”, quyết thu hồi hết tài sản chung của 2 vợ chồng. Và đáng buồn thay, việc làm này cũng có một phần lỗi từ phía tòa án.

Đầu năm 2013, TAND huyện Hương Sơn đã mở phiên tòa sơ thẩm, chấp nhận cho T. và M thuận tình ly hôn. Về tài sản chung của vợ chồng, có 1 chiếc ô tô Chevrolet trị giá hơn 400 triệu đồng, tòa tuyên thuộc về anh T. Không chấp nhận bị mất quyền chính đáng về tài sản, chị M. đã làm đơn kháng án. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và các kết quả xác minh, TAND tỉnh đã ban hành quyết định tuyên hủy phần quan hệ tài sản bản án ly hôn này, giao hồ sơ cho TAND huyện Hương Sơn xét xử sơ thẩm lại phần tài sản.

Dứt tình, đoạn nghĩa ! ảnh 1

Phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 30/10.

Trong phiên xử sơ thẩm lần hai mới đây (sáng 30/10), chị M. bước vào phòng xử án với tâm thế “người thắng cuộc”. Dù biết rằng: “vô phúc đáo tụng đình”, nhất lại là phiên tòa ly hôn nhưng với M. thì “Không quan trọng. Chuyện vợ chồng ly hôn, ai đúng, ai sai, người ta cũng biết cả rồi. Bây giờ, tôi chỉ đến tòa để bảo vệ quyền lợi của mình mà thôi”. Suốt cả phiên tòa, M. chỉ nhỏ nhẹ trình bày, cố chứng minh khoản tiền 100 triệu đồng vay của ông bà ngoại (bố mẹ M.). Còn về nguyên nhân, quan hệ tình cảm, những mâu thuẫn trong cuộc sống trước đây, cô không hề nhắc lại. Mọi giận hờn, trách cứ trong M. đã nguôi ngoai. Sau khi chia tay, cô đã đi bước nữa và sinh được 1 cậu con trai kháu khỉnh và chuẩn bị đón đứa thứ 2. Chồng mới của cô, biết rõ hoàn cảnh nên rất mực yêu thương. Cuộc hôn nhân mới hạnh phúc viên mãn nên M. chẳng có gì phải ân hận.

Ngược lại, ngồi cùng ghế với M., T. tỏ ra khá nôn nóng, gay gắt. T. đổ lỗi cho vợ cũ, viện dẫn nhiều lý do để chứng minh chiếc xe ô tô là của bố mẹ mình cho mượn. T. nói rằng: Từ ngày mua, ông H. (bố T.) là người trực tiếp quản lý xe. Vợ chồng anh khi sử dụng đều được ông ghi ngày giờ vào sổ theo dõi. Việc đổ xăng, rửa xe cũng đều về báo cáo để bố thanh toán.

“Hỗ trợ” cho con trai, ông H. cầm trên tay một đống giấy tờ do ông “sáng tạo” như “bản cam kết” cho T. tạm sử dụng xe, viện dẫn các quy định pháp luật để khẳng định với hội đồng xét xử rằng: xe của tôi. Ông hùng hổ nói mà quên rằng, mình từng là một người bố chồng khả kính của M.

Dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, căn cứ vào các chứng cứ chứng minh của các bên, hội đồng xét xử cho rằng, 200 triệu đồng góp mua xe của ông H. là có căn cứ, do đó, tài sản này thuộc về ông. Là người góp công sức mua xe, anh T. được chia 50 triệu đồng, gia đình ông H. phải đưa lại cho chị M. 30 triệu đồng là công sức đóng góp trong quá trình hình thành khối tài sản chung.

Kết thúc phiên tòa, gia đình ông H., anh T. ra về với vẻ mặt hài lòng. “Chỉ mất 30 triệu đồng thôi. Coi như tiền hỗ trợ” – chắc họ nghĩ thế. Với M. bây giờ, những gì xấu xa nhất của người chồng từng đầu gối tay ấp đã được bộc lộ. M. mừng vì cô đã thoát ra được. Tuy nhiên, cô khẳng định: “Phiên tòa này chưa thật sự công tâm. Bố mẹ tôi cũng góp 100 triệu đồng khi mua xe, ít nhất số tiền này cũng phải trả lại cho gia đình tôi. Tôi sẽ kháng án”.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast