Giải pháp nào để doanh nghiệp tiếp cận tốt thông tin pháp lý?

Doanh nghiệp (DN) đang mong đợi một giải pháp căn cơ từ phía cơ quan nhà nước để việc hỗ trợ pháp lý thực sự giúp họ phòng, tránh được những rủi ro trong SXKD, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, về phía bản thân các DN cũng cần chủ động vào cuộc.

>> Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhìn từ thực tiễn

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Trung tâm giao dịch "một cửa" liên thông ở Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Tĩnh.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Trung tâm giao dịch "một cửa" liên thông ở Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Tĩnh.

Hệ lụy từ thiếu hiểu biết pháp luật

Do chưa được trang bị đầy đủ, kịp thời các thông tin pháp lý nên trong hoạt động SXKD, nhất là trong hoạt động kinh doanh thương mại, nhiều DN cảm thấy lúng túng trước cả “núi” văn bản pháp luật. “Đây thật sự là một sự “thách đố” đối với DN trong việc cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về pháp luật để ứng dụng...”, một đại diện DN, bày tỏ.

Nhiều DN cho rằng, cái khó nhất đối với DN là những vấn đề mập mờ, khó hiểu, chồng chéo nhau giữa các văn bản pháp luật... Thủ tục giải đáp các vướng mắc cho DN của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên địa bàn nhiều lúc còn rườm rà, mất thời gian... Lâu dần, các DN hình thành tâm lý “ngại cơ quan công quyền” nên chưa phát huy được quyền yêu cầu hỗ trợ pháp lý của mình.

Hệ quả của sự lúng túng, thiếu hiểu biết về pháp luật đã làm nảy sinh nhiều tranh chấp không đáng có, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, gây mâu thuẫn, thiệt hại cho DN. Theo Tòa án tỉnh, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, ngành đã giải quyết, xét xử 35 vụ án kinh doanh thương mại sơ thẩm và 10 vụ xét xử phúc thẩm. Trong đó, một số vụ án có giá trị tranh chấp nhiều tỷ đồng. Các loại án chủ yếu là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng liên doanh giữa các công ty với nhau, hợp đồng tư vấn đầu tư xây dựng và hợp đồng dịch vụ.

Theo bà Phan Thị Hồng Phượng - Tòa án nhân dân tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do đôi bên trong quá trình ký kết hợp đồng kinh tế cũng như thực hiện hợp đồng... chưa đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Nhiều DN Hà Tĩnh có ký hợp đồng kinh tế nhưng không thực hiện được; hoặc do quen thân nên trong quá trình hoạt động làm ăn không ký hợp đồng kinh tế, khi có tranh chấp vẫn khởi kiện đến tòa án mà không có hợp đồng. “... Cơ bản do các DN nhận thức pháp luật và áp dụng pháp luật còn có nhiều hạn chế và khi tranh chấp, hai bên đều đổ lỗi cho nhau” - bà Phượng, nhận xét.

Đâu là giải pháp?

Với góc nhìn của một luật sư, ông Nguyễn Khắc Tuấn - Văn phòng Luật sư An Phát, cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về việc hỗ trợ pháp lý DN và các dịch vụ pháp lý của văn phòng luật sư, công ty luật, nhằm giúp DN nhận biết vai trò, sự cần thiết phải sử dụng dịch vụ pháp lý và hỗ trợ pháp lý trước khi bắt đầu thành lập cũng như trong quá trình hoạt động SXKD; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, tư vấn giải đáp trực tiếp các vướng mắc về mặt pháp luật của DN; thành lập các CLB trợ giúp pháp lý DN; xây dựng thí điểm văn phòng luật sư chuyên trách và đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài...

Cán bộ làm công tác pháp chế trong tỉnh dự tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Cán bộ làm công tác pháp chế trong tỉnh dự tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

“Tăng cường trao đổi giữa các cơ quan nhà nước và DN thông qua các diễn đàn trao đổi để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN, từ đó có hình thức và biện pháp hỗ trợ pháp lý thích hợp, như: lựa chọn báo cáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu để giúp DN giải đáp những vướng mắc pháp lý thuộc các lĩnh vực một cách trực tiếp, thiết thực, cụ thể, tránh chung chung như hiện nay...; tăng cường cập nhật các văn bản pháp luật trên các trang thông tin của cơ quan có thẩm quyền một cách kịp thời, chính xác...”, đại diện DN Phú Tài Đức, kiến nghị.

Có ý kiến khác cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc trợ giúp pháp lý cho DN thì hình thức lẫn nội dung chương trình hỗ trợ trong từng giai đoạn nhất định cần bám sát với thực tiễn SXKD của DN, gắn với hoạt động pháp chế của DN. Đặc biệt, cần phải đan xen việc phổ biến kiến thức pháp luật kinh doanh với những vấn đề pháp lý mang tính thời sự, những vấn đề mà DN thường xuyên gặp khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất, để nâng cao kiến thức pháp luật kinh doanh cho DN cần phải có chiến lược bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho DN và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế DN.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì nên nghiên cứu xây dựng một số chuyên đề về thực trạng của một số vụ việc do xung đột chính sách, pháp luật hoặc sự chậm trễ ban hành văn bản hoặc chồng chéo, lạc hậu của văn bản dẫn đến khó khăn cho DN. Từ đó, giúp hoàn thiện pháp luật kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Giúp DN tiếp cận để hiểu sâu hơn về pháp luật là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh pháp luật của chúng ta vừa “đồ sộ”, vừa chưa hoàn thiện là điều không dễ đối với mỗi DN. Nếu không sớm triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bất lợi sẽ đứng về phía các DN trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung khi hội nhập toàn cầu ngày càng nhanh chóng, mạnh mẽ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast