Khát vọng ngày trở về

(Baohatinh.vn) - Chỉ vì mong muốn thoát khỏi cuộc sống “giật gấu vá vai”, người mẹ trẻ đã phải trả giá khi tuổi xuân nằm lại sau song sắt, để mặc những ân hận dày vò. Tưởng như lâm vào đường cùng của tuyệt vọng, song, tình thương và nỗi nhớ con đã đánh thức mầm thiện “ngủ quên” trong lương tri người phụ nữ.

“Trót dại”

Khi bày tỏ nguyện vọng được gặp một nữ phạm nhân có hoàn cảnh éo le, Đại tá Kiều Viết Thông - Giám thị Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh thoáng suy nghĩ rồi giới thiệu cho tôi Trịnh Thị M. (SN 1979, trú tại Xuân Thành, Nghi Xuân). M. sa chân vào con đường tù tội bởi tội danh “chứa gái mại dâm” và đã thụ án được 14 tháng. Trong thoáng chốc, một người phụ nữ vừa bước qua tuổi 30 đã xuất hiện.

Bằng lối ăn nói lịch sự, M. mời tôi xuống quán cà phê trong Trại tạm giam uống nước và không quên giới thiệu: “Quán này do em với hai cán bộ của trại đứng bán”. Khác với mối lo ngại ban đầu, rằng những nữ phạm nhân vì mặc cảm, hay vì bất cứ lý do nào khác sẽ không muốn nhắc lại quãng đời tội lỗi của họ. Nhưng không, M. vui vẻ, cởi mở, lễ phép, nhẹ nhàng. Và cũng vì thế mà cuộc trao đổi giữa chúng tôi tuy ngắn ngủi nhưng đủ để thấy niềm khát khao được hoàn lương trong con người này.

Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh
Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh

Giọng trầm ngâm, M. bắt đầu câu chuyện bằng tuổi thơ, một tuổi thơ cơ cực và thiếu vắng tình thương của người bố. Bố bỏ đi lấy người khác khi M. đang còn ẵm ngửa, mẹ gạt nước mắt, tảo tần nuôi hai con khôn lớn. Hoàn cảnh gia đình éo le khiến M. chán nản, rồi bỏ học khi vừa lên lớp 5. Thời gian đó, M. buôn rau phụ mẹ kiếm thêm đồng ra đồng vào. Đến năm 1995 thì xin làm công nhân cho Công ty Tôm đông lạnh ở Sóc Trăng. Sau 4 năm xa quê, M. trở về kết hôn với một thanh niên trong xã.

Do không có việc làm ổn định, hai vợ chồng dốc hết vốn liếng mở quán ăn bên bờ biển. Một buổi trưa, vài khách nam nghỉ ngơi tại quán của M. mở lời muốn thị kiếm “hàng” để giải trí cho “khuây khỏa”. Nghe khách “bày đường chỉ lối”, M. chớm ý tưởng kiếm tiền trên thân xác của những cô gái trẻ. Không lâu sau đó, M. bị lực lượng công an vây bắt khi khách trong quán đang mải mê “hành sự”.

Khát vọng ngày về

Bị bắt từ năm 2004 và nhận mức án 30 tháng tù giam, nhưng do nuôi con nhỏ nên M. được hoãn đến năm 2012 mới quay lại trại để thi hành. Ngày mới bước chân vào trại, M. nhớ con đến quay quắt, cả tháng ròng rã trôi qua trong nước mắt. Mỗi lần cánh cổng trại giam khép lại, M. lại chìm ngập trong nỗi nhớ nhung và mặc cảm khi để con phải chịu cảnh thiệt thòi. Con lớn nhất của M. năm nay đã 14 tuổi, hiện là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trãi (Xuân Giang), đứa bé nhất đang học mẫu giáo lớn.

Từ ngày M. vào chấp hành hình phạt, chồng phải sang Angola làm việc để duy trì cuộc sống. Bố đi xa, mẹ vào tù, gia đình hạnh phúc của 3 đứa trẻ bỗng trở nên thiếu vắng. Bao lần các con đến thăm là bấy nhiêu lần M. chứng kiến 3 đứa trẻ gầy đi ít nhiều. Ba tiếng đồng hồ thăm hỏi ngắn ngủi trong một tháng đằng đẵng không đủ để người mẹ bày tỏ nỗi lòng nhung nhớ. Lắm lúc, M. thăm dò “đi học có ai bàn tán để các con buồn không?”, 3 đứa trẻ lại ngoan ngoãn trả lời làm yên lòng mẹ.

“Con gái lớn của em được nhà trường chọn tham gia cuộc thi học sinh giỏi huyện hai môn Văn và Tiếng Anh”, niềm tự hào sáng lên trong ánh mắt người mẹ trẻ. Dù có là những “nữ quái” từng “tung hoành” dọc ngang giữa cuộc đời, những nữ phạm nhân vẫn luôn là người mẹ mang trái tim đầy thổn thức hướng về con. “Ở trong này, em luôn dặn dò, động viên các cháu học tập thật tốt, mẹ sẽ nhanh trở về. Nhưng, nhắc con cũng là nhắc mình”, M. tâm sự.

Tình thương con là liều thuốc làm dịu đi những day dứt trong M. Bỏ qua mọi mặc cảm, thị quyết tâm phấn đấu, cải tạo thật tốt.

Được sự yêu thương, bảo ban của các cán bộ cùng sự khích lệ tinh thần từ phía các bạn tù, M. luôn nỗ lực trong mọi hoạt động. “Chăm cây cũng có ngày cho quả”, đền đáp cho sự cố gắng, kiên trì của M., nữ phạm nhân này đã có một năm “thành công” khi được cầm trong tay tấm giấy khen thưởng xuất sắc của trại. “Nếu 6 tháng có giấy khen sẽ được mua quà trị giá 60 ngàn đồng và nếu cả năm được thưởng, giá trị quà tặng tăng lên 80 ngàn đồng. Không được xuất sắc toàn diện thì đạt loại giỏi, em luôn lấy đà đó để cải tạo và cố gắng thật tốt”, M. cho biết. Suốt thời gian cải tạo, M. luôn nhận được sự tin tưởng từ phía cán bộ trại giam cũng như các phạm nhân khác. Sau nhiều nỗ lực, M. được giảm án 13 tháng và chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi, niềm khát khao cháy bỏng bấy lâu nay của người mẹ sẽ trở thành hiện thực.

Nhìn lại quãng thời gian khó khăn phải trải qua, M. ân hận vì trót dính sai lầm, vì để tương lai con cái có “vết nhơ” của mẹ. 14 tháng đã đủ để M. suy ngẫm và nhận ra nhiều giá trị từ cuộc sống. “Em xin phép chị đừng đưa ảnh em, vì em không muốn các con nhìn thấy lại ám ảnh. Hãy cứ coi đây là chuyến trải nghiệm về một thế giới khác, để rồi em biết quý trọng những gì mình đang có và làm lại tất cả”. Và tôi tin, đằng sau ánh mắt đang chan đầy niềm hy vọng ấy, một thế giới khác, êm đẹp và lương thiện bắt đầu mở ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast