Luật cần quy định rõ hơn về án lệ

Nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị TAND Tối cao làm rõ hơn quy định về án lệ trong dự thảo Luật tổ chức TAND sửa đổi, bổ sung…

Ngày 22-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức TAND chuẩn bị trình QH thảo luận tại kỳ họp thứ VII (tháng 5 tới).

Mô hình bốn cấp

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã trình dự thảo (11 chương, 80 điều) trên cơ sở nhất thể hóa Luật Tổ chức TAND 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND 2002, Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự 2002. So với dự thảo trước, dự thảo lần này đã tiếp thu, chỉnh lý khá nhiều, bỏ một số quy định đề xuất chưa phù hợp như chức danh thẩm phán ngoài ngạch, dự toán đề xuất kinh phí hoạt động…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu TAND Tối cao làm rõ hơn về án lệ vì còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu TAND Tối cao làm rõ hơn về án lệ vì còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Ảnh: TTXVN

Đa số ý kiến đều thống nhất đổi mới tổ chức, hoạt động của TAND theo mô hình bốn cấp: TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, TAND Tối cao và tòa án quân sự các cấp.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá “dự thảo chuẩn bị khá tốt, cố gắng giữ tiến độ tiếp thu và hoàn chỉnh trình QH tại kỳ họp này, kỳ họp sau thông qua”. Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Đây là Luật Tổ chức TAND để nhân danh nước CHXHCN Việt Nam xét xử chứ không phải tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nên thẩm quyền về xét xử của các tòa phải được làm rõ hơn. Nguyên tắc tranh tụng phải được thể hiện rõ nét hơn. Trường hợp giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án thì quy định hiện nay vẫn không có tranh tụng”.

Làm rõ hơn về án lệ

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đề nghị cần quy định cụ thể trong dự luật vấn đề xây dựng và phát triển án lệ nhằm thực hiện nhiệm vụ hiến định của TAND Tối cao là “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Theo TAND Tối cao, án lệ là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về một vụ án cụ thể, có nội dung lập luận làm rõ những quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau và chỉ ra nguyên tắc áp dụng, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn làm chuẩn mực để tham khảo trong xét xử nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Thẩm phán và HĐXX có trách nhiệm phải tham khảo án lệ khi xét xử. Án lệ không thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, TAND Tối cao có thể linh hoạt thay đổi án lệ khi có những thay đổi của pháp luật.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu TAND Tối cao “làm rõ hơn về án lệ vì còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Với giải thích trên, người ta sẽ dễ hiểu rằng án lệ ở Việt Nam thực chất chỉ là hướng dẫn và tổng kết kinh nghiệm xét xử. Như vậy nó không đúng với tinh thần của án lệ”.

Ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH) cũng góp ý: “Án lệ như cách giải thích của TAND Tối cao là chưa chi tiết, khó thực hiện. Án lệ là gì, tính chất, giá trị pháp lý thế nào, có áp dụng bắt buộc không? Tôi thấy như thế này coi như là bắt buộc áp dụng nhưng nếu bắt buộc áp dụng thì án lệ có mang tính quy phạm pháp luật không? So với tiêu chuẩn thì lại không phải quy phạm pháp luật. Rồi phát triển án lệ thế nào? Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao làm ra án lệ hay phát triển án lệ? Quy định cũng không rõ thẩm quyền quyết định bản án nào là án lệ, cái nào không? Cần nghiên cứu kỹ và quy định rõ hơn để giải trình trước QH thì mới có thể được đồng thuận cao”.

Bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao trọn đời

Dự thảo đề xuất quy định bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao không kỳ hạn, còn nhiệm kỳ của thẩm phán khác là 10 năm. Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình lý giải: Nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành (năm năm) là quá ngắn, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm, thậm chí còn có tâm lý e ngại trước tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm. Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc “xét xử độc lập” của thẩm phán bị ảnh hưởng. Nhiệm kỳ thẩm phán quá ngắn cũng gây tốn kém thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH) cho biết kết quả thẩm tra của ủy ban tư pháp chỉ tán thành quan điểm bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Vì đây là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội. Còn về nhiệm kỳ của các thẩm phán khác, đa số ủng hộ phương án quy định nhiệm kỳ đầu bổ nhiệm thẩm phán năm năm, nếu tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH) góp ý thêm: Chỉ nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của thẩm phán TAND Tối cao đối với nam không quá 65 tuổi, nữ không quá 60 tuổi. Còn các thẩm phán khác vẫn áp dụng độ tuổi nghỉ hưu bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Đồng thời, cần quy định rõ thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu không được đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo.

Giá trị của án lệ: Theo TAND Tối cao, phát triển án lệ nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật. Việc tham khảo án lệ, phân tích thiếu sót trong những vụ án đã xử nhằm rút kinh nghiệm, hạn chế đến mức thấp nhất việc kết án oan sai, hạn chế lách luật tiêu cực của những người tiến hành tố tụng. Công bố án lệ cũng sẽ giúp người dân, những người tham gia tố tụng, luật sư trong vụ án nắm rõ đường lối xét xử, dự báo được kết quả những vụ việc có liên quan đến quyền lợi của họ...
Theo Pháp luật Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast