Ma men đưa lối

(Baohatinh.vn) - Ở các vùng quê nghèo, thú tiêu khiển của nhiều người đàn ông trung niên quanh quẩn bên lũy tre làng chỉ là những cuộc rượu không đầu, không cuối. Không mâm cao, cỗ đầy, không sơn hào, hải vị, thức nhắm chỉ là vài củ lạc, trái ổi xanh đưa cay. Họ nhậu bất cứ lúc nào, nhất là những buổi nông nhàn. Với họ, men rượu đã ngấm vào máu. Họ trở thành “nghiện”, cay nghiệt hơn, người ta gọi là “nát rượu”. Và, biết bao dư vị đắng, thậm chí là án mạng đã xảy ra bên những mâm rượu này.

Mới hơn 3h chiều, không có việc gì làm, cảm thấy “nhạt nhạt trong miệng”, ông Hoàng Hùng (SN 1957, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) tìm bạn “gầy độ nhậu”. Như thường lệ, Hoàng Hùng rót cốc rượu đầy, vớ thêm chiếc điếu cày, thong thả sang nhà ông Hà - hàng xóm “góp rượu” để nhậu. Tuy nhiên, ông Hà không có nhà nên ông Hùng “chiến một mình”, ngửa cổ tu hết cốc rượu rồi về. Trên đường về, đi qua nhà ông Phan Trọng L. (SN 1968), thấy ông L. và anh Hoàng Đàn đang ngồi uống rượu thì Hoàng Hùng đi vào.

Ma men đưa lối ảnh 1

Vì sức khỏe yếu, bị cáo Hoàng Hùng được ngồi trong phiên xét xử.

Sẵn chút hơi men, lại tức khí vì bạn nhậu gầy độ mà không gọi mình, ông Hùng ra giọng cha chú: “Nói lời mà không giữ lời. Mày nói không chơi với nó nữa mà sao hôm nay lại sang đây uống rượu”, rồi cầm cốc rượu mà Đàn đang uống dở hất thẳng vào mặt Đàn. Tiếp đến, ông Hùng cầm cốc rượu của ông L. lên đòi uống “cho chúng mày khỏi phải uống”.

Tiếc rượu, bực tức vì hành động thái quá, “không coi ai ra gì” của ông Hùng, ông L. giằng lấy cốc rượu và buông lời chửi mắng, thách thức. Đôi bên giằng co, ông L. cầm điếu cày đánh vào người ông Hùng. Ngay lập tức, ông Hùng cũng lấy “vũ khí” là chiếc điếu cày của mình vung lên chống đỡ. Ông Hùng vụt một phát trúng vào tai trái của ông L. làm ông L. chao đảo, va đầu vào tường, chảy máu tai. “Cuộc chiến” chấm dứt, ông Hoàng Hùng bỏ về, còn không quên cảnh báo “cắt tình chiến hữu”: “Từ nay đừng vác mặt sang nhà tao (uống rượu) nữa”.

Sau đó, ngấm hơi men, thấy mệt, ông L. vào nhà nằm nghỉ. Cứ tưởng ông L. mệt do rượu nhưng sáng hôm sau, người nhà vào kiểm tra thì ông L. đã tử vong. Khám nghiệm tử thi, kết quả giám định cho thấy: ông L. chết do bị chấn thương sọ não. Hoàng Hùng bị bắt và đưa ra xét xử về tội “Giết người”.

Ma men đưa lối ảnh 2

Trong phiên tòa hôm ấy, chủ tọa phiên tòa đã thể hiện tính nhân đạo của pháp luật khi đặc cách cho bị cáo Hùng được ngồi trong quá trình xét xử vì lí do sức khỏe yếu. Nhìn thân hình gầy gò, ốm yếu, quá già so với tuổi của bị cáo, tôi hiểu rằng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là bởi “ma men”. Không quá ngạc nhiên khi tôi biết, ông Hùng không biết chữ.

Những con người không được học hành, suốt ngày quanh quẩn bên ruộng vườn, nhận thức pháp lý bằng không thì việc họ phạm tội là điều luôn có thể xảy ra dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Chỉ đến khi thực hiện hành vi phạm tội, trong quá trình bị tạm giam, bị cáo Hùng mới được cán bộ tuyên truyền, giáo dục để nhận ra rằng, hành vi của mình là vi phạm pháp luật và ông tỏ ra ăn năn khi tước đi mạng sống của “bạn rượu”. Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Hùng ân hận: “Tôi biết, mình đã phạm tội không thể tha thứ được. Tôi xin lỗi gia đình nạn nhân và xin lỗi chính người thân của mình. Vì rượu, tôi đã phạm tội và không biết sức khỏe có đủ để tôi chấp hành hình phạt tù, trả giá cho tội lỗi của mình hay không?”.

Kết thúc phiên tòa, nhìn bị cáo Hùng lầm lũi, run rẩy bước lên xe về trại giam, nhiều người rơi nước mắt. Ở tuổi nàỵ mà bị cáo Hùng vẫn phải tra tay vào còng, trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Vì đâu nên nỗi? Vì cái nghèo, thất học, không đủ nhận thức pháp lý và trên tất cả là vì ma men đã hủy hoại một kiếp người. Xót xa thay!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast