Những điều cần biết về việc xóa án tích

Câu chuyện của thí sinh Bùi Kiều Nhi (trú tại Quảng Bình) suýt không được theo học Học viện Chính trị Công an nhân dân, rồi em Nguyễn Đức Ngà (trú tại Nghệ An) hiện đang “kêu cứu” vì không đủ điều kiện nhập học vào Học viện Cảnh sát nhân dân gần đây đã dấy lên dư luận thế nào là nhân thân tốt – xấu, việc cha mẹ dính án hình sự sẽ khiến đời con hứng chịu như thế nào…

Khi nào được xóa án tích?

Theo qui định của Bộ luật Hình sự thì người có tiền án (án tích) là người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Cụ thể, Điều 64 Bộ luật Hình sự qui định các trường hợp sau đương nhiên được xóa án tích: Người được miễn hình phạt; Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXIV (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây: a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến 3 năm; c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến 15 năm; d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên 15 năm.

Như vậy, nếu hết thời hạn nêu trên mà không phạm tội mới, người bị kết án sẽ được xóa bỏ việc mang án tích, được xem như chưa bị kết án. Người được xóa án tích nếu phạm tội mới thì các cơ quan tố tụng không được căn cứ vào tiền án trước đó để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Tuy nhiên, đã được xóa án tích có được xem như phạm tội lần đầu, xem như có “nhân thân tốt” hay không?

Luật sư Nguyễn Minh Long, GĐ Cty luật Dragon cho rằng, để được xóa án tích, người phạm tội đã phải trải qua một thời gian thụ án và thử thách mới được công nhận đã hoàn lương, mọi giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch được cấp cho người đã được xóa án tích đều ghi là “không có án tích”. Họ cũng không phải chịu tình tiết tăng nặng khi xem xét hình phạt nếu phạm tội mới.

Tuy nhiên, luật sư Long cho rằng, người đã từng bị kết án thì không thể được xem như người chưa phạm tội lần nào. Vì về bản chất, người phạm tội lần đầu, trước đây là người chưa từng bị kết án, chưa có tiền án, tiền sự, còn người đã được xóa án tích là người đã phạm tội, dù gì trong lý lịch của họ vẫn có một “vết đen” và điều này rất có thể là “vật cản”, ảnh hưởng đến cuộc sống của con, cháu họ sau này.

Những điều cần biết về việc xóa án tích ảnh 1

Thí sinh Bùi Kiều Nhi suýt không được theo học ngành CA vì liên quan án tích của người cha. Ảnh: TL

Xóa án tích có còn là nhân thân xấu?

Tuy nhiên, việc mặc nhiên xác định những người đã được xóa án tích là có “nhân thân xấu” cũng không ổn vì họ đã chấp hành xong hình phạt, thời gian thử thách, hành vi của họ đã không còn nguy hiểm cho xã hội, thì không nên xem họ vẫn có “nhân thân xấu” như một sự kỳ thị. Ngay qui định của Luật Lý lịch tư pháp khi cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân (Phiếu lý lịch số 1) với những người đã được xóa án tích cũng được thể hiện là “không có án tích” như người chưa từng can án. Chỉ trong Phiếu lý lịch số 2 (thường cấp cho cơ quan tố tụng để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử), thì người từng bị kết án mới thể hiện lý lịch đã bị kết án, thời điểm được xoá án tích…

Xóa án tích thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước, do đó, luật sư Long cho rằng, nên xác định nhân thân theo 3 mức: Người đang bị kết án, chưa được xóa án tích là nhân thân xấu; người đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích là người có nhân thân bình thường, còn những người chưa can án là có nhân thân tốt.

Cần công khai điều kiện, tiêu chuẩn về nhân thân!

Khi câu chuyện của em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà được báo chí đăng tải, phần lớn các ý kiến bình luận thiên về hướng nên xem xét cho các em theo học vì các em có học lực tốt và bản thân không vi phạm pháp luật, riêng em Nguyễn Đức Ngà còn là học sinh xuất sắc, một số tờ báo đưa tin, em còn mới được kết nạp Đảng.

Vấn đề đặt ra ở đây là để được kết nạp Đảng, em Ngà đã được xem xét các tiêu chuẩn chính trị, nhân thân… và được tổ chức Đảng cơ sở công nhân có lý lịch trong sạch, đủ điều kiện để được kết nạp. Vậy tiêu chuẩn chính trị để được học tập, công tác trong ngành CA nhân dân có cao hơn tiêu chuẩn để được kết nạp đảng viên hay không?

Với đặc thù nhiệm vụ bảo vệ an ninh của đất nước, ngành CA có tiêu chuẩn chính trị, lý lịch nhân thân đặc thù khác với các ngành nghề, lực lượng khác là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các tiêu chuẩn này cần được thông tin công khai, đầy đủ để các thí sinh và gia đình có thể tự “xét” được bản thân và con em mình có đủ điều kiện dự thi hay không, bởi một người đã từng can án không thể không biết lý lịch mình có “tỳ vết” khi con hỏi để khai hồ sơ? Đồng thời với việc tự khai và cam đoan của thí sinh, ngành CA cũng cần có sơ tuyển, sàng lọc hồ sơ chặt chẽ ngay từ ban đầu để những thí sinh có lý lịch không đảm bảo sẽ không được tham gia thi tuyển, tránh tình trạng khi nhập học mới phát hiện ra, gây khó khăn cho thí sinh nếu không đăng ký dự tuyển trường khác.

Luật sư Long cũng nhìn nhận, trong việc xem xét lý lịch nhân thân mỗi người cũng nên “cá thể hóa trách nhiệm” bởi ngay như xác định trách nhiệm hình sự cũng theo nguyên tắc ai làm người ấy chịu (trừ trẻ vị thành niên). Đây cũng là quan điểm của nhiều bạn đọc, đó là việc đánh giá một con người cần đánh giá chủ yếu phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực… của chính bản thân họ. Việc bố hoặc mẹ, cô dì chú bác, anh chị em ruột, ông bà nội ngoại nếu can án một lần nhưng đã được xóa án tích, không phạm tội mới, từ sau khi xóa án tích vẫn chấp hành pháp luật tốt, sống lương thiện… thì không nên xem “vết đen” của họ là vật cản, ảnh hưởng đến việc học tập, công tác của con cháu họ sau này.

Điều đáng nói nữa, câu chuyện của hai thí sinh cũng là lời cảnh báo cho mỗi người phải biết sống có trách nhiệm, để không thiệt thòi cho con cháu sau này!

Cách tính thời hạn để xóa án tích

1. Thời hạn để xóa án tích quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Bộ luật này căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên.

2. Nếu chưa được xóa án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xóa án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới.

3. Việc chấp hành xong bản án bao gồm việc chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án.

4. Người được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại cũng được coi như đã chấp hành xong hình phạt.
(Trích Điều 67 Bộ luật Hình sự)

Theo PLXH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast