“Nút thắt” sẽ được gỡ...

Việc tranh chấp đất rừng tại tiểu khu 226 giữa người dân hai xã Lộc Yên và Gia Phố ( Hương Khê) khiến miền quê vốn yên bình này nóng lên bấy lâu nay đã sắp đến hồi kết. Theo dự kiến ngày 14/12, chính quyền huyện Hương Khê, 2 xã Lộc Yên, Gia Phố và các hộ dân liên quan sẽ tiến hành khai thác diện tích rừng trồng tại tiểu khu 226. Bước đi tiếp theo trong lộ trình được vạch ra là tiến hành cấp đất lại theo hướng có lợi cho người dân.

Hậu từ những sai sót trong quá khứ.

Năm 1995 thực hiện Nghị định 02/CP về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, UBND huyện Hương Khê giao đất cho 11 hộ dân Lộc Yên tại tiểu khu 226 trùng lên một phần diện tích đã giao trước đó cho 8 hộ dân xã Gia Phố vào năm 1991. Điệp khúc nhầm lẫn lại tái diễn khi năm 1997, UBND huyện Hương Khê giao đất lâm nghiệp cho 2 hộ dân xã Gia Phố trùng lên một phần diện tích của các hộ dân xã Lộc Yên được cấp theo NĐ 02/CP năm 1995.

Hàng chục ha rừng bị đốt cháy trong cuộc tranh chấp 7/2012. Ảnh: QL
Hàng chục ha rừng bị đốt cháy trong cuộc tranh chấp 7/2012. Ảnh: QL

Không dừng lại ở đó, năm 1997 UBND tỉnh phê duyệt Dự án phòng hộ Ngàn Sâu, trong đó có tiểu khu 226 xã Lộc Yên và giao cho Lâm trường Hà Đông thực hiện. Đến năm 2000 Lâm trường Hà Đông (nay là BQLRPH sông Ngàn Sâu) đã thiết kế, trồng rừng và giao khóan trồng, chăm sóc bảo vệ cho các hộ dân xã Lộc Yên thực hiện dự án 661 chồng chéo lên đất của 10 hộ dân xã Gia Phố được giao đất năm 1991 và 1997. Năm 2004, các hộ dân xã Gia Phố trồng rừng trên phần đất được giao thì xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp với các hộ dân Lộc Yên. Ngày 21/6/2007 UBND tỉnh ra Quyết định số 1689/QĐ-UBND về việc cắt chuyển 503,9 ha mà BQLRPH Ngàn Sâu thực hiện dự án trồng rừng 661 tại tiểu khu 226 về cho UBND xã Lộc Yên trong đó có diện tích chồng chéo như đã nêu ở trên để UBND xã Lộc Yên giao cho dân quản lý sử dụng.

Tuy nhiên việc chỉ đạo tổ chức thực hiện không dứt điểm. Vì vậy, đầu tháng 5/2012 khi rừng keo đã đến tuổi khai thác thì xung đột xảy ra giữa người dân xã Gia Phố và hàng chục hộ dân xã Lộc Yên. Trận loạn đả khiến nhiều người bị thương phải vào điều trị dài ngày ở cơ sở y tế. Liên tiếp những ngày sau tại khu vực tranh chấp xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng mà nguyên nhân không ngoài việc tranh chấp đất đai.

…"Tại anh, tại ả - tại cả hai bên"

Sau khi vụ việc xảy ra, ngày 10/5/2012 UBND huyện Hương Khê đã tổ chức cuộc họp với các ngành Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường, Thanh tra và Công an dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Trần Minh Kỳ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, huyện Hương Khê đã thành lập đoàn công tác thanh tra toàn bộ diện tích rừng và đất rừng (tài sản trên đất và đất) tại khu vực tranh chấp có sự hỗ trợ giúp đỡ của tổ công tác tư vấn tỉnh. Bất ngờ là phần diện tích huyện giao cho 8 hộ dân xã Gia Phố là 39,5 ha nay tăng lên đến 60,4 ha. Còn 11 hộ dân xã Lộc Yên được giao với diện tích 42,7 ha nhưng 2 năm sau toàn bộ diện tích này đã bị ‘bà hỏa” thiêu trụi .

Chủ tịch hội Cựu chiến binh đồng thời là kiểm lâm viên của xã Lộc Yên Nguyễn Xuân Hào bị đánh phải nhập viện mà nguyên nhân cũng từ cuộc tranh chấp này. Ảnh: QL
Chủ tịch hội Cựu chiến binh đồng thời là kiểm lâm viên của xã Lộc Yên Nguyễn Xuân Hào bị đánh phải nhập viện mà nguyên nhân cũng từ cuộc tranh chấp này. Ảnh: QL

Chuyện tranh chấp đất đai đã xảy ra từ năm 2004-2005 nhưng không giải quyết được do phần diện tích này đã được UBND tỉnh giao cho Lâm trường Hà Đông thực hiện dự án 661. Nhùng nhằng mãi đến cuối năm 2009 Lâm trường Hà Đông mới bàn giao rừng và hồ sơ giao khoán nhưng vẫn không thanh lý hợp đồng với các hộ nhận khoán. Trong quá trình kiểm tra của đoàn các hộ dân xã Lộc Yên không xuất trình hồ sơ, quyết định được huyện giao đất năm 1995, mãi đến năm 2012 các hộ mới xuất trình đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý. Đến nay khi cây đến tuổi khai thác, nguồn lợi kinh tế từ rừng mang lại giá trị lớn nên mâu thuẫn lại trở nên phức tạp hơn.

Để xảy ra những tồn tại yếu kém trên trách nhiệm trước hết thuộc về các ngành chức năng huyện Hương Khê mà cụ thể là, Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên& Môi trường, BQLRPH sông Ngàn Sâu và chính quyền 2 xã Lộc Yên và Gia Phố. Tuy nhiên không thể nói là người dân vô can. Kết luận của Đoàn kiểm tra cho thấy “các hộ chưa quản lý, sử dụng đất rừng một cách hiệu quả, nhiều năm không tác nghiệp trên phần diện tích được giao. Khi xảy ra cháy rừng, tranh chấp chưa báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý”

Quyết định “tháo ngòi” tranh chấp.

Sau quá trình rà soát lại hợp đồng, giấy chúng nhận quyền sử dụng đất của các hộ; đồng thời tiến hành gặp gỡ đối thoại với từng hộ gia đình có liên quan và chính quyền 2 xã, huyện Hương Khê đã đề ra phương hướng giải quyết nhằm ổn định ANTT trên địa bàn; đồng thời không để người dân bị thiệt thòi do những sai sót trong quá khứ để lại. Theo đó, đối với tài sản trên đất ( rừng cây keo trồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp theo dự án 661 thuộc quyền quản lý của Nhà nước) UBND tỉnh giao UBND huyện Hương Khê quyết định phương thức, thời gian, lựa chọn đơn vị cá nhân khai thác đúng quy trình quy phạm, đảm bảo an toàn, ổn định tình hình.

Trong số 19 hộ dân xã Lộc Yên có 3 hộ dân nhận khóán với diện tích 7,2 ha khối lượng 145,08m3 đủ điều kiện thì được cấp phép khai thác. Còn 3 lô rừng của ông Nguyễn Anh Đào, Trần Khắc Thắng, Nguyễn Văn Hùng nhận khoán với diện tích 11,23 ha, 190,8m3 có một số cây trồng xen theo đám của các hộ dân xã Gia Phố tuy có thuận lợi đường vận xuất, vận chuyển do các hộ tự mở đường nhưng lại là khu vực tiềm ẩn va chạm phức tạp giữa công dân 2 xã nên UBND huyện giao UBND xã Gia Phố chủ trì phối hợp với xã Lộc Yên tổ chức khai thác và chi trả tiền cho các hộ nhận khóan xã Lộc Yên theo quy định.

Xử lý dứt điểm tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 226 (Hương Khê) - đó là kết luận tại cuộc họp chiều 9-1 -2012 của UBND huyện Hương Khê
Xử lý dứt điểm tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 226 (Hương Khê) - đó là kết luận tại cuộc họp chiều 9-1 -2012 của UBND huyện Hương Khê

13 hộ còn lại với diện tích 52,52 ha,khối lượng 6.143,2m3 không đủ điều kiện khai thác nên đề nghị UBND huyện giao xã Gia Phố chủ trì phối hợp với xã Lộc Yên tổ chức khai thác và chi trả tiền cho các hộ nhận khóan xã Lộc Yên theo quy định. Rừng keo trồng bằng nguồn vốn của các hộ dân xã Gia Phố trên diện tích đất được huyện giao năm 1991 và 1997 trước mắt giao cho các hộ dân xã Gia Phố quản lý bảo vệ đúng quy định của pháp luật.

Cho đến nay trong số 16 hộ nhận khóan ở xã Lộc Yên được hưởng số tiền 305.851.000 đồng mới chỉ có 3 hộ đồng ý nhận tiền. Theo dự kiến ngày 14/1/2013 UBND huyện Hương Khê, 2 xã Gia Phố, Lộc Yên và người dân Lộc Yên có liên quan sẽ tổ chức khai thác số keo theo đúng trình tự thủ tục

Sau khi thanh lý phần tài sản (rừng keo trồng theo dự án 661), đối với diện tích đất đang tranh chấp huyện Hương Khê sẽ hỉ đạo giải quyết theo hướng: Ưu tiên các hộ có Quyết định giao đất và trên thực tế đã tác nghiệp, các trường hợp còn lại giao UBND xã Lộc Yên căn cứ vào quỹ đất đẻ lập phương án giao cho các hộ; nếu thiếu quỹ đất thì UBND xã kiểm tra soát xét diện tích rừng sản xuất của BQL sông Ngàn Sâu đang quản lý để chuyển về UBND xã giao đất cho các hộ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast