Phiên tòa hóa giải thù hận

(Baohatinh.vn) - ... Trái ngược với cảm xúc hằn học khi bắt đầu bước vào phiên xét xử, giờ đây, giữa 3 người phụ nữ dần tìm thấy sự đồng cảm. Tưởng chừng, ra tòa cũng là lúc đôi bên đoạn tuyệt tình nghĩa, nhưng không ngờ, lại là nơi hóa giải mọi thù hận...

Mảnh đất trồng keo trên đồi Khe Ve (xóm 2, Hương Giang, Hương Khê) bấy lâu vẫn đang diễn ra tranh chấp giữa gia đình bà Trần Thị Hiền (xóm 2) và bà Nguyễn Thị Luân (xóm 6). Cũng chính từ câu chuyện “tấc đất, tấc vàng” để rồi dẫn đến cuộc xô xát không đáng có, chia rẽ tình làng nghĩa xóm.

Phiên tòa hóa giải thù hận ảnh 1
Minh họa của Huy Tùng

Sáng 24/2/2013, vợ chồng bà Hiền thuê bà Nguyễn Thị Huệ (người cùng xóm) cùng một số lao động đến trồng keo tại đồi Khe Ve. Khoảng 10h30’ cùng ngày, bà Luân lên phần đất tranh chấp nhổ keo. Không ai chịu nhường ai, hai người phụ nữ bắt đầu to tiếng. Cho rằng, hàng xóm đang cố tình khiêu khích, cản trở công việc gia đình, cực chẳng đã, bà Hiền lấy gậy “tuyên chiến”.

Chứng kiến sự việc tranh cãi giữa hai bên, bà Nguyễn Thị Huệ ở mương nước gần đó vội vàng mang theo gậy lên giúp sức cho chủ keo. Nhưng, ý định đánh bà Luân bất thành khi bà Huệ chẳng may bị đối phương đánh thẳng vào đầu. Với hành vi này, bà Nguyễn Thị Luân (SN 1971) bị Viện KSND huyện Hương Khê truy cứu về tội danh “Cố ý gây thương tích”. Phút nóng giận của người phụ nữ đã phải trả giá bằng bản án 6 tháng tù, đồng thời bồi thường cho bị hại số tiền 11.700.000 đồng.

Để khắc phục hậu quả, bà Luân đã phải chạy vạy khắp nơi bồi thường cho bị hại. Kể từ ngày tuyên án, không một ngày nào bị cáo Nguyễn Thị Luân ngừng khóc. Những giọt nước mắt tiếc nuối, ân hận, hòa lẫn với nỗi đau khó có thể gọi tên. Mỗi phút giây được gặp gỡ người nhà trong trại tạm giam như xoáy sâu vào nỗi phiền muộn của người phụ nữ. Bản thân là người mù chữ, không am hiểu pháp luật, chỉ vì thiếu kiềm chế, bị cáo đã phải nhận lấy cái giá quá đắt.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Luân với tội danh “Cố ý gây thương tích” diễn ra vào ngày 15/5/ 2014. Suốt thời gian tham dự phiên tòa, mặc cho người láng giềng đang run rẩy trước vành móng ngựa, phía bị hại vẫn không ngừng chỉ trích.

“Chỉ vì quá sợ hãi khi thấy bà Hiền và bà Huệ đe dọa, bị cáo mới cầm gậy với mục đích tự vệ và lỡ tay gây thương tích cho người khác”, bị cáo thổn thức. Chỉ vì những mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai, tình làng nghĩa xóm của hai bên gia đình đã bị chia rẽ.

“Mâu thuẫn trong tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Luân và bà Hiền, không liên quan đến Nguyễn Thị Huệ. Lẽ ra, với vị trí là người ở giữa, bà Huệ phải đứng ra can ngăn, khuyên nhủ hai bên. Vậy nhưng, bị hại không những không làm dịu tình hình mà còn hùa với bà Hiền đánh bị cáo…”, chủ tọa phiên tòa phân tích. Từng lời nói của vị bồi thẩm đoàn khiến những người từng “không đội trời chung” với bị cáo như bừng tỉnh. Những lời lẽ gay gắt ban đầu dần chuyển thành nỗi niềm cảm thông, cả khán phòng như lặng đi khi nghe hoàn cảnh đầy éo le của bị cáo.

Những lần không tìm được tiếng nói chung đã đẩy mối quan hệ của bị cáo, bị hại và gia đình bà Trần Thị Hiền đến bờ vực. Nhưng, trái ngược với cảm xúc hằn học khi bắt đầu bước vào phiên xét xử, giờ đây, giữa 3 người phụ nữ dần tìm thấy sự đồng cảm. Tưởng chừng, ra tòa cũng là lúc đôi bên đoạn tuyệt tình nghĩa, nhưng không ngờ, lại là nơi hóa giải mọi thù hận; kết thúc những phiền muộn bấy lâu trong lòng những người trong cuộc. Nhìn bước đi lầm lũi của bị cáo, trên gương mặt thẫn thờ của những người còn lại vẫn đang thổn thức hai từ “tiếc nuối”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast