Quyền cá nhân đối với hình ảnh - Những điều cần biết

(Baohatinh.vn) - Quyền cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 31, Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, việc sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân vẫn thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của các chủ thể bị xâm phạm.

Sau khi đăng quang ngôi vị hoa khôi Trường Đại học Luật Hà Nội, hình ảnh của N.T.M ngập tràn trên các phương tiện truyền thông. Song, ngoài những hình ảnh đã được các đơn vị ký kết hợp đồng sử dụng với mục đích quảng bá, M. gần như “ngã ngửa” khi phát hiện gương mặt mình xuất hiện tràn lan trên các trang web mà chưa có sự đồng ý.

N.T.M., Hoa khôi Trường Đại học Luật Hà Nội gần như “ngã ngửa” khi phát hiện gương mặt mình xuất hiện tràn lan trên các trang web mà chưa có sự đồng ý. (ảnh Internet)

N.T.M., Hoa khôi Trường Đại học Luật Hà Nội gần như “ngã ngửa” khi phát hiện gương mặt mình xuất hiện tràn lan trên các trang web mà chưa có sự đồng ý. (ảnh Internet)

Theo quy định tại Điều 31, Bộ luật Dân sự 2005, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý. Trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

Hình ảnh cá nhân bao gồm mọi hình thức nghệ thuật ghi lại hình dáng con người như ảnh chụp, ảnh vẽ, ảnh chép hay có thể là tượng, hoặc hình ảnh có được do ghi hình… thuộc về riêng tư của mỗi người. Muốn sử dụng hình ảnh cá nhân, nhất là phục vụ mục đích khai thác kinh doanh (in lịch, bìa sách, mẫu quảng cáo…) đều phải hỏi ý kiến của người đó. Mọi cá nhân có quyền cho hay không cho người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nếu chưa được sự đồng ý của người trong ảnh mà đã sử dụng là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Dù đã được hành lang pháp lý bảo vệ nhưng trên thực tế, không hiếm trường hợp sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân. Đi cùng với sự phát triển của xã hội, việc xâm phạm quyền nhân thân về hình ảnh ngày càng phổ biến, nhất là sử dụng với mục đích thương mại. Theo đó, không ít doanh nghiệp lấy hình ảnh của người nổi tiếng hoặc một số cá nhân khác thông qua các trang web, pa-nô, áp phích để quảng bá sản phẩm, hàng hóa mà không được sự cho phép của chủ nhân.

Ngoài việc sử dụng vào mục đích kinh doanh, do tư thù hay vì bất kỳ lý do nào khác, một số đối tượng còn phát tán những hình ảnh nhạy cảm, thuộc về đời sống riêng tư của đối phương qua mạng internet nhằm xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Không chỉ vậy, xâm phạm hình ảnh cá nhân còn được thể hiện thông qua việc các cơ quan báo chí công bố những hình ảnh được cá nhân thực hiện bảo mật.

Với sự hỗ trợ từ các phương tiện, thiết bị hiện đại, người chụp có thể ghi lại một số khoảnh khắc nhạy cảm của đối phương với nhiều mục đích khác nhau. Lúc này, hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân không còn xâm phạm tới quan hệ dân sự mà đã chuyển sang vi phạm pháp luật hình sự và người thực hiện có thể bị truy tố bởi các tội danh làm nhục người khác (Điều 121); truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 253) và cưỡng đoạt tài sản (Điều 135) Bộ luật Hình sự.

Để bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân được thực hiện trong thực tế, pháp luật quy định người bị xâm phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, cải chính, xin lỗi công khai; phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cùng các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại cùng khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và tiền bồi thường, bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường không quá 10 tháng lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước tại thời điểm giải quyết.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý lại vô tình để lọt kẽ hở khi không quy định rõ việc “xin phép” hoặc “có sự đồng ý” của cá nhân nhằm hạn chế tình trạng xâm phạm hình ảnh. Ngoài ra, các chế tài xử phạt vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh chưa đủ sức răn đe nên không ít người vẫn mặc nhiên sử dụng hình ảnh trái phép. “Để đáp ứng nhu cầu của tình hình phát triển, cần sớm điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành, loại bỏ những kẽ hở và bất hợp lý liên quan đến quyền sử dụng hình ảnh nhưng phải cân đối với quyền bí mật đời tư. Bên cạnh đó, cần thiết phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe”, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh - Nguyễn Khắc Tuấn cho biết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast