Sửa đổi các định chế về giao dịch bảo đảm

(Baohatinh.vn) - Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sẽ biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó, có các khái niệm và cơ chế phù hợp hơn với sự phát triển chung của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Có thể khẳng định, dự thảo đã có những thay đổi khá hoàn thiện về định chế giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, từ thực tiễn đời sống pháp lý cho thấy, trong quan hệ giao dịch bảo đảm có những sự việc nảy sinh mà Dự thảo Bộ luật Dân sự chưa điều chỉnh hoặc có những sửa đổi chưa phù hợp.

Điển hình như quy định về quyền định đoạt tài sản thế chấp của bên thế chấp. Ngoài việc được thay thế tài sản thế chấp, còn trao cho bên thế chấp quyền bán, trao đổi hay tặng cho tài sản thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp và trao cho bên nhận thế chấp quyền truy đòi tài sản thế chấp từ bên kia của các giao dịch này khi xử lý tài sản thế chấp (Khoản 3, Điều 297 và Khoản 3, Điều 299).

Quy định này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm. Khó khăn đặt ra đối với bên nhận thế chấp là phải tìm hiểu chuỗi quan hệ pháp lý đối với tài sản thế chấp bởi vì một tài sản có thể được chuyển giao thông qua nhiều hợp đồng mua, bán, trao đổi khác nhau, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau và để xác định chính xác các mối quan hệ này, cần thời gian và chi phí. Hệ quả là chủ nợ phải tính chi phí vay cao hơn để bù đắp các chi phí này.

Sửa đổi các định chế về giao dịch bảo đảm ảnh 1

Với các thủ đoạn gian dối trong thực hiện giao dịch bảo đảm để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Chi nhánh Ngân hàng No&PTNT Đức Thọ, Nguyễn Minh Hải, trú tại Thanh Xuân - Hà Nội đã bị TAND tỉnh xử phạt 25 năm tù giam.

Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 289 không nên sử dụng phương án cho phép bên cầm cố được tự do bán tài sản cầm cố với điều kiện phải thông báo cho bên mua biết về việc tài sản đang được cầm cố vì quy định này khá mâu thuẫn với các quy định khác của dự thảo.

Thứ nhất, theo quy định, thông thường “việc chuyển quyền sở hữu và các quyền khác đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao” (tại Khoản 2, Điều 177) cho nên, nếu bên nhận cầm cố không giao vật thì không thể thực hiện được việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản. Trong thực tế, bên nhận cầm cố sẽ rất hiếm khi đồng ý giao tài sản cho bên mua vì sẽ làm mất đối tượng của hợp đồng cầm cố, điều này sẽ đặt ra vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm và thiện chí hợp tác của bên nhận cầm cố, tương tự như khó khăn đặt ra đối với việc thu giữ tài sản thế chấp hiện nay.

Thứ hai, dự thảo không quy định về quyền lợi của bên nhận cầm cố trong trường hợp bán tài sản cầm cố. Đây là một lỗ hổng pháp lý lớn có nguy cơ vô hiệu hóa cả chế định cầm cố tài sản. Cũng cần nhấn mạnh thêm, do cầm cố được hiểu là việc giao tài sản cho chủ nợ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của chính mình hay của người khác (Điều 283), nên quyền truy đòi không phải là công cụ pháp lý mà bên nhận cầm cố cần để bảo vệ quyền lợi của mình.

Pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm đối với quyền tài sản còn khá sơ lược và chưa thực sự tạo cơ sở pháp lý an toàn cho việc cho vay theo quyền tài sản. Dự thảo chưa đáp ứng được mong đợi trong thực tế khi quy định sơ sài về giao dịch bảo đảm với quyền đòi nợ, hay không hề có quy định nào về giao dịch bảo đảm đối với quyền phát sinh từ hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền nhận khoản tiền bảo hiểm, số dư tài khoản hay phần vốn góp.

Dự thảo có điều khoản quy định bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán là một biện pháp bảo đảm (Điều 310 và các điều tiếp theo) chưa hợp lý bởi người mua chỉ đơn thuần có quyền chiếm hữu tài sản trong khi người bán vẫn có quyền sở hữu tuyệt đối đối với tài sản theo thỏa thuận của các bên. Biện pháp bảo đảm phải phát sinh từ việc bên bảo đảm trao quyền đối với tài sản của mình cho bên nhận bảo đảm chứ không thể là việc bên chủ sở hữu tài sản bảo lưu quyền sở hữu của mình. Đồng thời, dự thảo cũng chưa đưa ra được các cơ chế hỗ trợ quá trình thu giữ tài sản bảo đảm, bao gồm cả việc khởi kiện tại tòa án.

Vì vậy, khi có các mâu thuẫn phát sinh, các bên sẽ gặp nhiều khó khăn cho việc thu giữ tài sản bảo đảm và bảo vệ quyền lợi của mình trước tòa án. Thực tế hiện nay, những hạn chế này đã dẫn đến hiện tượng thu giữ tài sản theo kiểu “xã hội đen”, phát sinh tội phạm.

Theo ông Bùi Minh Thu - Trưởng phòng Công chứng Sở Tư pháp: Áp dụng pháp luật hiện hành, có thể quy định nếu giao dịch bảo đảm đã công chứng hay chứng thực hợp pháp hoặc được đăng ký hợp lệ với cơ quan có thẩm quyền, khi bên bảo đảm không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu tòa án ra quyết định cưỡng chế thu giữ tài sản bảo đảm theo thủ tục rút gọn để trên cơ sở đó, bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện việc cưỡng chế thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý hoặc bên nhận bảo đảm có thể yêu cầu trực tiếp cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast