“Tan đàn, xẻ nghé”

(Baohatinh.vn) - Bần hàn nơi gốc rạ, cùng lớn lên ở quê nghèo, anh T., chị L. tự nguyện đến với nhau. Qua thời gian tìm hiểu, lễ kết hôn đơn sơ được tổ chức. Cùng hoàn cảnh, cùng phận nghèo, đôi vợ chồng trẻ chí thú làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình. Trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười, cuộc sống tuy nghèo nhưng đầm ấm, hạnh phúc.

Thế rồi, lần lượt 3 đứa con, 2 gái, 1 trai chào đời. Thêm con nhưng không thêm của, cuộc sống gia đình ngày càng “tuột dốc” khi mấy sào ruộng khoán chẳng bõ công cày cấy mà thu nhập thêm từ nghề cửu vạn của anh lại quá bấp bênh. Cố mãi không thoát nghèo, T. chán nản, tìm rượu giải khuây. Nhìn anh chồng lúc nào cũng khật khưỡng, đỏ gay vì rượu, đôi khi, chị L. không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, biết rằng, vì “nghèo thêm eo” nên chị vẫn nghiến răng chịu đựng, cố gắng chăm sóc con cái và làm thêm làm nếm, xoay xở cuộc sống.

Biếm họa từ internet

Biếm họa từ internet

Thế nhưng, không cảm thông cho những vất vả của vợ, thương cho những đứa con thiếu ăn, thiếu mặc, T. ngày càng nghiện ngập, bê tha. Sau mỗi trận rượu, cứ về đến nhà, T. lại chửi. Nhìn vợ lam lũ, quê mùa, hắn càng bực. Chửi chán, hắn dồn tất cả sự bất lực, kém cỏi trong công cuộc mưu sinh vào nắm đấm trút lên người chị L.

“Con giun xéo lắm cũng quằn”, không chịu được người chồng nát rượu và những trận đòn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của T., L. quyết định ly thân, đưa 2 đứa con gái lớn về nhà mẹ đẻ. Gia đình ly tán, 3 chị em ly tan.

“Tan đàn, xẻ nghé”, chị L. làm đơn xin ly hôn. Những đứa con đứt ruột đẻ ra, chị muốn được nuôi nấng tất cả nhưng hiểu rằng, điều đó là khó được chấp nhận nên L. nhận nuôi 2 con gái, còn con trai ở với chồng. Dù vậy, chị vẫn luôn canh cánh về con. L. chỉ muốn, cuộc hôn nhân cơ cực này sớm chấm dứt để chị có thể làm lại từ đầu, chuyên tâm làm ăn, mong con lớn lên không phải tủi cực vì nghèo đói. Về tài sản, ngôi nhà và vật kiến trúc, đồ gia dụng chị để lại cho 2 cha con, chỉ xin 2 con bò trong đàn bò 4 con để “có chút vốn”.

Thế nhưng, trong các cuộc hòa giải, T. không chấp nhận việc chia bò. T. đồng ý ly hôn với điều kiện: đến ở với nhau được thì ra đi được, không có bò, me gì hết. Sau nhiều lần hòa giải không thành, chị L. đành chấp nhận ly hôn mà không lấy một con bò nào. Lúc này, T. lại đổi ý, không chịu ly hôn. Tại cuộc hòa giải mới đây do TAND huyện Lộc Hà tổ chức, T. khăng khăng: “Lấy được nhưng bỏ khó. Không ly hôn ai cả”. Không giải thích, không lý do, T. lẳng lặng ra về.

Rồi đây, TAND huyện Lộc Hà sẽ đưa vụ việc ra phân xử. Khi hôn nhân không thành, không đạt được mục đích, việc chị L. gửi đơn xin ly hôn là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Thuận tình ly hôn là cách hóa giải tốt nhất để sau ly hôn, mỗi cặp vợ chồng “còn nghĩa” với nhau. Và nhất là, dù đã “hết tình” thì họ vẫn cùng nhau chăm sóc, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần cho những đứa con.

Trong câu chuyện buồn này, tôi không hiểu anh T. vì còn “lửa yêu”, còn trách nhiệm, tình thương với chị L. và các con hay chỉ vì sự ích kỷ, hèn kém của một người đàn ông mà nhất mực không chịu ly hôn. Chỉ mong rằng, giả định thứ nhất là đúng. Rằng là, dù cùng quẫn, T. vẫn còn yêu thương và trách nhiệm với gia đình. Có như thế, mai này, các con của T. vẫn luôn có đủ cả bố và mẹ, dẫu không đủ đầy nhưng vẫn yêu thương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast