Tháo gỡ “rào cản” cho luật sư trong hoạt động tố tụng

(Baohatinh.vn) - Góp phần đưa công lý ra ánh sáng, luật sư trở thành một “mắt xích” quan trọng của hoạt động tố tụng, có vị thế nhất định trong đời sống chính trị - pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của luật sư chưa được nhìn nhận đúng và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định pháp luật.

Hà Tĩnh hiện có 27 luật sư tham gia hoạt động tố tụng. 9 tháng đầu năm 2014, Đoàn Luật sư Hà Tĩnh đã tham gia 57 vụ tranh tụng tại phiên tòa, trong đó có 36 vụ án hình sự, 15 vụ dân sự và 5 vụ hành chính. Thực tế cho thấy, luật sư chuyên về tố tụng chiếm đa số so với luật sư tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Sự có mặt của luật sư không những bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa thiếu sót, hạn chế oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Tháo gỡ “rào cản” cho luật sư trong hoạt động tố tụng ảnh 1

Một luật sư đang tham gia bào chữa trong phiên xét xử

Tuy nhiên, dù thực hiện chức năng bảo vệ công lý, quyền con người nhưng sự tham gia của luật sư vào hoạt động tố tụng còn bị hạn chế. Trong giai đoạn điều tra, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa (GCNBC) được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự là rào cản lớn nhất. GCNBC có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu không có “tấm vé thông hành” này, luật sư không được tiếp xúc với bị cáo, bị can; không được tiếp cận hồ sơ và tiến hành các chức năng khác. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp GCNBC cho luật sư. Song, rất hiếm khi luật sư được cấp GCNBC đúng theo thời hạn luật định và thường xuyên bị cơ quan điều tra gây khó dễ. Chưa kể, việc “đòi hỏi” chứng chỉ hành nghề cũng như hợp đồng dịch vụ pháp lý trong quá trình làm thủ tục cấp GCNBC từ phía cơ quan điều tra là trái với quy định của Luật Luật sư và làm khó người “gỡ tội”.

Ngay khi bị can bị tạm giữ đã phát sinh quyền yêu cầu luật sư và cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho bị can tiếp xúc. Vậy nhưng, các điều tra viên lại tác động bị can nên khai báo thành khẩn để nhận sự khoan hồng của pháp luật thay vì nhờ người bào chữa. Thậm chí, trong các vụ án nghiêm trọng, bị can, bị cáo chưa thành niên hay trình độ học vấn thấp vẫn từ chối nhờ luật sư. Không ít trường hợp, luật sư không được tham gia ngay từ đầu dẫn đến tình trạng ép cung, mớm cung của điều tra viên. Theo quy định, luật sư có thể tham gia từ khi khởi tố bị can, trên thực tế, chỉ khi cơ quan điều tra có kết luận, người bào chữa mới được phép xuất hiện.

Trong quá trình xét xử, rất hiếm khi đại diện viện kiểm sát tranh luận với luật sư để làm sáng tỏ tình tiết vụ án. Việc chủ tọa và hội thẩm nhân dân cắt lời luật sư khi người bào chữa đang trình bày trọng tâm vụ án thường xuyên diễn ra. Hoạt động xét xử dựa vào kết quả điều tra nên thẩm phán thường chịu sự chi phối, nếu lời khai của bị cáo tại phiên tòa trái với kết luận của cơ quan điều tra bị coi là phản cung. Bởi vậy, sự xuất hiện của luật sư trong phiên xét xử chỉ mang tính hình thức. Luật sư hiếm có dịp được tranh tụng mà chỉ có quyền đề xuất mức án. Chưa kể, do bị hạn chế từ giai đoạn điều tra nên luật sư không có quyền thu thập tài liệu chứng cứ mà chỉ đưa ra tài liệu, đồ vật “gỡ tội” cho bị cáo.

Theo quy định, vai trò của luật sư và kiểm sát viên tại phiên tòa là ngang nhau. Tuy nhiên, không khó để nhận ra, vị trí của bên buộc tội được sắp xếp ngang với hội đồng xét xử trong khi bên gỡ tội lại ngậm ngùi ngồi “chiếu dưới”. Điều này vô hình trung đã tạo nên sự bất công trong quá trình xét xử. Chính vì vậy, việc đòi hỏi nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa rất khó thực hiện do vai trò của luật sư bị “lấn át” ngay từ đầu.

Sau xét xử sơ thẩm, bị cáo được kháng án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Tuy nhiên, trong thời gian này, trại tạm giam không cho phép luật sư tiếp xúc với bị cáo do GCNBC đã được cấp không còn giá trị pháp lý. Luật sư muốn gặp phải chờ đến giai đoạn xét xử phúc thẩm trong khi thời hạn 15 ngày tác động rất lớn đến tinh thần, tâm lý bị cáo. Lỗ hổng pháp lý này đã bị lợi dụng, gây khó khăn cho luật sư trong hoạt động nghề nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được bào chữa của bị cáo.

Để đảm bảo cho luật sư tham gia tố tụng được thuận lợi, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật Luật sư phải quy định chi tiết hơn trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho luật sư khi tham gia tố tụng. Cần thiết bỏ quy định cấp GCNBC, không đẩy luật sư rơi vào tình thế bị động, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị cáo, bị can và đương sự. Bộ luật Tố tụng hình sự phải quy định rõ người thân của người bị can, bị cáo cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa; chỉ khi có mặt luật sư hoặc khi người bị tạm giữ từ chối luật sư, điều tra viên mới được phép tiến hành lấy lời khai. Điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo rõ nội dung, địa điểm, thời gian tiến hành hỏi cung bị can để luật sư có điều kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng. Quy định khống chế thời gian tiếp xúc bị can, bị cáo trong 1 tiếng tại giai đoạn điều tra, truy tố, chuẩn bị xét xử phải được bãi bỏ. Quan trọng hơn, các cơ quan tố tụng phải đáp ứng yêu cầu về thu thập và xác minh chứng cứ của luật sư. “Có như vậy, luật sư tham gia vào hoạt động tố tụng mới thực sự hiệu quả”, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát - Nguyễn Khắc Tuấn khẳng định.

Để đảm bảo cho luật sư tham gia tố tụng được thuận lợi, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Luật Luật sư phải quy định chi tiết hơn trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho luật sư khi tham gia tố tụng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast