“Thừa nước đục thả câu”

(Baohatinh.vn) - Giữa lúc triệu triệu trái tim cùng hướng về đảo xa, nơi hàng nghìn chiến sỹ đang ngày đêm chống chọi với hành động hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc thì tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng, một số đối tượng đã “thừa nước đục thả câu”.

Sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã khiến hơn 90 triệu người Việt và cả cộng đồng quốc tế “dậy sóng”. Các cuộc biểu tình phản đối hành vi xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc liên tiếp nổ ra, từ người già đến em nhỏ, từ người dân đang “đứng chân” trên lãnh thổ nước Việt hay những kiều bào Việt Nam sinh sống và học tập ở nước ngoài, đều một lòng hướng về biển đảo Tổ quốc.

Lê Trọng Tú (áo trắng) và Lô Minh Trọng (áo xám) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/6
Lê Trọng Tú (áo trắng) và Lô Minh Trọng (áo xám) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/6

“Hòa chung” vào làn sóng biểu tình đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp cả nước, ngày 14/5/2014, tại KKT Vũng Áng (Kỳ Anh), hàng trăm người dân đã xuống đường phản đối hành vi trái phép của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc biểu tình với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu nhanh chóng biến thành cuộc đụng độ giữa các nhóm công nhân. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng, kích động, gây rối làm mất an ninh trật tự dẫn đến cuộc xô xát trong công trường thuộc dự án Formosa.

Lợi dụng sự lộn xộn, khoảng 19h cùng ngày, hai công nhân của Công ty CP Hưng Nghiệp Hòa Thái (do ông Lee Cheng Chiung, quốc tịch Đài Loan làm đại diện) là Lê Trọng Tú (SN 1992, trú tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ) và Lô Minh Trọng (SN 1989, trú tại xã Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An) đã điều khiển xe gắn máy trà trộn vào đám đông trong công trường lấy trộm một máy phát điện, một máy hàn điện và một máy cắt sắt. Tổng trị giá tài sản khoảng 10.390.000 đồng.

Cũng trong tối 14/5, đã có 8 đối tượng quá khích bị bắt giữ và 31 đối tượng bị truy tố với các tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, “Trộm cắp tài sản”, “Hủy hoại tài sản”.

Ngày 10/6, TAND tỉnh đã đưa Lê Trọng Tú và Lô Minh Trọng ra xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”. Cả hai bị cáo đều là công nhân mới vào làm việc tại Công ty CP Hưng Nghiệp Hòa Thái hơn 4 tháng. Lý giải cho hành vi sai trái của mình, Tú giãi bày: “Thấy cảnh loạn lạc, lòng bị cáo rối bời khi nghĩ tới vợ và con nhỏ; nghĩ công ty sẽ không trả lương cho công nhân nữa mới nảy sinh ý nghĩ xấu, lấy cắp tài sản chung mang đi bán”.

“Tại sao các bị cáo không có ý thức bảo vệ tài sản cho công ty mà lại lấy trộm?”, vị Hội thẩm nhân dân nhấn mạnh câu hỏi. Trước vành móng ngựa, hai bị cáo chỉ biết cúi đầu im lặng.

Dù phải sống trong cảnh xa quê nhưng mức lương 7 triệu đồng/tháng của Trọng và Tú vẫn là niềm mơ ước đối với hàng vạn con người. Không ít công nhân đang phải ngày ngày chật vật, lăn lộn với cơm áo gạo tiền. Có miếng cơm nào mà không trộn lẫn mồ hôi? Chính lòng tham đã khiến hai bị cáo tự đào “hố chôn” cuộc đời mình khi đạp đổ “cần câu cơm” của chính bản thân và gia đình. Chỉ vì tư lợi cá nhân, Tú và Trọng đã “quay lưng” với nơi “nuôi sống” mình bằng việc làm và tiền lương trong 4 tháng qua. Vào tù với tội danh trộm cắp tài sản cũng là lúc Lê Trọng Tú và Lô Minh Trọng đánh mất việc làm, mất nguồn thu nhập.

Nhưng, hành vi của các bị cáo không chỉ làm “gãy” trụ cột kinh tế gia đình mà còn gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trong khu vực, đặc biệt khi KKT Vũng Áng lại là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Suốt phiên tòa, dường như đã nhận thức được sự nghiêm trọng của hành vi mà bản thân gây ra, cả Tú và Trọng đều không thể đưa ra bất kì một lời bào chữa nào.

Được nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án, hai bị cáo cúi người xin lỗi người thân, xin lỗi công ty và hàng ngàn công nhân của KKT Vũng Áng. Tú và Trọng cảm thấy xấu hổ bởi “con sâu làm rầu nồi canh”, khi chỉ vì lòng tham nhất thời đã làm thay đổi cách nhìn của người dân nước bạn về hàng triệu công dân Việt ngày đêm làm việc bằng sức lao động chân chính. Các bị cáo tha thiết mong HĐXX xem xét cho cơ hội được làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Sau khi cân nhắc, xem xét kỹ các tình tiết vụ án, HĐXX tuyên Lê Trọng Tú 30 tháng tù giam và Lô Minh Trọng 24 tháng tù giam. Công ty CP Hưng Nghiệp Hòa Thái không có yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với hai bị cáo.

Bản án mà HĐXX đưa ra đã thể hiện được tính nghiêm minh, có ý nghĩa răn đe, giáo dục phòng ngừa chung đối với những người có tư tưởng, suy nghĩ tư lợi cá nhân. Trong khi người dân cả nước đang chung sức, đồng lòng phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc, các bị cáo lại tự gây nên cảnh “nồi da nấu thịt”, hủy hoại tài sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Hành vi đó không chỉ làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nhà nước, gây khó khăn trong việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam mà còn làm ngưng trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh và gây hậu quả nghiêm trọng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast