Tránh oan sai khi áp dụng án lệ trong xét xử

(Baohatinh.vn) - Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao vừa công bố nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (có hiệu lực từ ngày 16/12/2015)...

Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND Tối cao công bố là án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Việc áp dụng án lệ sẽ làm cho luật áp dụng được nhất quán và đáp ứng những tình huống mới mà luật chưa dự liệu, tránh oan sai.

Tránh oan sai khi áp dụng án lệ trong xét xử ảnh 1
TAND huyện Hương Khê xét xử sơ thẩm đối với 5 bị cáo về tội đánh bạc.

Án lệ được lựa chọn khi đáp ứng 3 tiêu chí: Thứ nhất, án lệ phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể. Thứ hai, án lệ phải có tính chuẩn mực. Thứ ba, án lệ phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau.

Đồng thời, để việc áp dụng án lệ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đạt kết quả cao nhất thì trong trường hợp pháp luật thay đổi mà án lệ không còn phù hợp thì đương nhiên bị hủy bỏ. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có trách nhiệm xem xét hủy bỏ, thay thế án lệ.

Việc áp dụng án lệ là gần như có giá trị bắt buộc. Điều 8 nghị quyết quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử nêu rõ: Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau…

Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải phân tích, lập luận, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án. Đặc biệt, phán quyết của tòa án cấp huyện được lựa chọn là án lệ có giá trị ràng buộc với tòa án cấp trên nếu nó được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lựa chọn và phát triển thành án lệ. Dù là bản án của tòa án cấp huyện nhưng đã qua quy trình sàng lọc, lựa chọn, qua quyết định của Hội đồng Thẩm phán thì có thể coi đó là “sản phẩm” của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và nó có giá trị áp dụng đối với tất cả tòa án.

Theo nghị quyết, việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được tiến hành định kỳ 6 tháng. Được biết, trong vòng khoảng 4 tháng nữa, sẽ có những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đầu tiên được tổng hợp trình Hội đồng Thẩm phán tuyển chọn thành án lệ và triển khai áp dụng.

Với nghị quyết nêu trên, cơ sở pháp lý cho việc hình thành và áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử xem như chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, hiệu quả còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng quy trình rà soát, lựa chọn, công nhận và công bố án lệ nhằm bảo đảm phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa nhược điểm của án lệ.

Luật sư Nguyễn Đình Hồng - Văn phòng Luật sư Kim Minh cho biết: Thông thường, án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó hoặc do xung đột pháp luật mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng. Vì vậy, những căn cứ pháp lý sẽ được áp dụng trong án lệ và chính án lệ đó sẽ định hướng cho tòa án các cấp áp dụng khi xét xử, tạo sự thống nhất trong công tác xét xử; giúp việc giải quyết các vụ việc tương tự, có những tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.

Án lệ được lựa chọn, công bố sẽ giúp thẩm phán rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử. Đây cũng là cơ hội giúp thẩm phán hạn chế kết án oan sai. Đồng thời, việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử sẽ giúp giảm tồn đọng án do không có luật để áp dụng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast