Tư pháp xã, phường - “Làm dâu trăm họ”

(Baohatinh.vn) - Giữ vai trò tham mưu và trực tiếp giải quyết nhu cầu pháp lý của người dân ở cơ sở, giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, với đội ngũ tư pháp xã, phường đây là một công việc khá vất vả. Nhiều cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã, phường thường tự trào, ví mình là người “làm dâu trăm họ”...

“Xoay như… đèn cù!”

Có mặt tại UBND phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh) vào buổi sáng theo lịch trực, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ tư pháp – hộ tịch. Mới đầu giờ sáng mà đã có hàng chục người đến đăng ký giải quyết các thủ tục pháp lý. Chồng hồ sơ, giấy tờ càng lúc càng dày thêm.

Cán bộ tư pháp Trần Thị Mai Dung vừa thoăn thoắt kiểm tra, đối chiếu, trình ký các loại hồ sơ, đóng dấu chứng thực, vừa không ngừng giải thích, hướng dẫn cho những người chưa thực hiện đúng các thủ tục, quy định pháp lý với thái độ vẫn mềm mỏng, tươi cười.

Giao dịch "một cửa" tại UBND phường Trần Phú.
Giao dịch "một cửa" tại UBND phường Trần Phú.

Công việc tạm gián đoạn khi có người xin chứng thực một số văn bằng, chứng chỉ mà không có bản gốc. Dung nhẹ nhàng: Trường hợp này không giải quyết được anh ơi, phải có văn bằng gốc chứ văn bằng đã qua công chứng thì không chứng thực được. Mặc dù đã viện dẫn hết các điều luật, cho xem văn bản quy định nhưng cũng phải mất một lúc, người xin chứng thực mới chấp nhận rút yêu cầu. Dung cười: “Họ biết cả đấy nhưng vì là người địa phương, quen biết nên cố ý dùng tình cảm mong được việc. Giải quyết là nhiệm vụ nhưng không thể vì tình cảm mà sai luật được, nhiều khi hậu quả không lường hết được”.

Trần Thị Mai Dung cho biết: “Từ năm 2007, hoạt động công chứng, chứng thực được trao cho tư pháp cấp xã, phường thì nhiệm vụ của chúng tôi càng nặng nề hơn. Mỗi tuần, 3 ngày trực giao dịch một cửa, thời gian ít ỏi còn lại dành cho các hoạt động tham gia công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành án dân sự, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tham mưu giúp việc cho UBND trong việc ra các quyết định quản lí và xử lý công việc hàng ngày… Công việc nhiều, quỹ thời gian ít nên cán bộ tư pháp – hộ tịch phải “xoay như đèn cù”, “gồng” hết sức mình mới đảm đương nổi nhiệm vụ”.

Một trong những nhiệm vụ khó khăn đó là tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặc dù về nguyên tắc, khi có đơn thư về lĩnh vực nào thì cán bộ công tác trên lĩnh vực đó chịu trách nhiệm chính nhưng trên thực tế ở nhiều địa phương, cán bộ tư pháp được coi là “cánh tay” pháp lý tin cậy nên “việc gì cũng đến phần”. Từ tiếp nhận đơn thư, nghiên cứu hồ sơ, tổ chức đối thoại, hòa giải, tham mưu hướng giải quyết đều có dấu ấn của cán bộ tư pháp. Bởi thế, với những trường hợp người dân không đồng tình với giải quyết của chính quyền cấp cơ sở thì cán bộ tư pháp sẽ là “đối tượng” đầu tiên để họ… “đấu tố”!

Người ít… việc nhiều!

Theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, các xã, phường được ưu tiên bố trí 2 chức danh tư pháp. Tuy nhiên, trong số 262 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ có 26 địa phương có 2 công chức tư pháp – hộ tịch. Thậm chí, một số xã, phường hiện đang khuyết công chức tư pháp, phải cử cán bộ kiêm nhiệm. Điển hình như UBND phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) do cán bộ tư pháp chuyển vị trí công tác nên hiện tại, phó chủ tịch UBND phường đang kiêm nhiệm. Năm 2013, trên lĩnh vực tư pháp, phường đã thực hiện chứng thực gần 14.000 văn bản; đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho hơn 400 trường hợp và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, quản lý thi hành án phạt tù hàng chục trường hợp.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng cho biết: Để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp, thời gian qua, Sở đã phối hợp, mở 3 lớp đại học tại chức luật và 3 lớp trung cấp luật. Đến nay, cơ bản các chức danh tư pháp cấp xã đều có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo Thông tư số 01/2009 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thì công chức tư pháp cấp xã có 12 nhóm nhiệm vụ (dự thảo mới sẽ là 16 nhóm nhiệm vụ) là rất nặng nề trong khi đội ngũ cán bộ vẫn còn thiếu. Một thực tế nữa là do cán bộ tư pháp – hộ tịch là một trong những công chức cấp xã được chuẩn hóa sớm, có nhiều cơ hội phát triển làm xáo trộn tổ chức bộ máy. Hiện tại, Sở Tư pháp đang phối hợp với Sở Nội vụ rà soát lại công chức tư pháp cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh để có sự sắp xếp, bố trí hợp lý hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast