Vô cảm – gốc rễ nảy sinh tội phạm giết người

(Baohatinh.vn) - Năm 2011 – 2013 là chuỗi thời gian đầy “sóng gió” khi trên cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ trọng án gây rúng động dư luận. “Song hành” cùng hành vi gây án hết sức man rợ là sự vô cảm đến ngạc nhiên và đáng sợ của những tội phạm giết người.

Hiện trường vụ án Nguyễn Hữu Huynh sát hại bà ngoại ở Cẩm Xuyên

Hiện trường vụ án Nguyễn Hữu Huynh sát hại bà ngoại ở Cẩm Xuyên

“Khơi mào” cho hàng loạt “tội phạm vô cảm” không thể không kể đến Nguyễn Đức Nghĩa. Sự ra tay đầy dã man của Nghĩa là yếu tố “kế thừa” của hàng loạt các tội phạm khác, mà trong đó tiêu biểu là các “đàn em”: Lê Văn Luyện, Hồ Duy Trúc, Nguyễn Mạnh Tường. Khó ai có thể ngờ, một thanh niên chỉ đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” như Lê Văn Luyện cùng lúc tước đoạt mạng sống của 3 con người - một hành vi được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng với tính chất dã man, tàn bạo và vô cảm chưa từng có. Khối trưởng các khối lớp Kinh tế đối ngoại trường Đại học Ngoại thương -Nguyễn Đức Nghĩa đã nhẫn tâm ra tay sát hại chính người yêu cũ. Lạnh lùng chặt đầu và các ngón tay của nạn nhân rồi thản nhiên lấy tài sản của cô gái xấu số mang đi cầm cố.

Nguyễn Mạnh Tường, người từng là Bác sỹ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, sau khi gây ra cái chết cho nạn nhân đã nhanh chóng bán linh hồn cho quỷ dữ khi thản nhiên ném thi thể của người đàn bà tội nghiệp xuống lòng sông lạnh lẽo. Cho đến nay, thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền đang ở đâu vẫn còn là một ẩn số đối với gia đình và cơ quan điều tra.

Mới đây nhất, tướng cướp Hồ Duy Trúc khiến người đi đường kinh hãi với “thành tích” chỉ trong vòng 5 tháng, băng cướp của y đã gây ra 15 vụ cướp xe với tổng số tiền hơn 610 triệu đồng, chém 12 người trong đó có 7 người bị trọng thương.

Ở Hà Tĩnh, phải kể đến hành vi giết người lạnh lùng của Nguyễn Hữu Huynh (SN 1995). Chỉ vì thói cờ bạc, Huynh đã nhẫn tâm dùng đá đánh chết bà ngoại của mình để cướp đôi bông tai bằng vàng.

5 tên tội phạm, 5 con người khác biệt, không cùng hành vi gây án nhưng lại có chung sự vô cảm đến đáng sợ. Hành vi dã man, tàn bạo của 5 đối tượng trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Và, có ai dám chắc, đằng sau những Nghĩa, Trúc, Luyện, Tường, Huynh sẽ không sản sinh hàng loạt kẻ giết người máu lạnh khác. Đó có được coi là những “nạn nhân” gián tiếp của mặt trái nền kinh tế thị trường?

Nước ta ngày càng xuất hiện nhiều vụ án giết người với tính chất man rợ, do ảnh hưởng từ mặt trái của sự hội nhập với thế giới, với tốc độ đô thị hóa nhanh của xã hội. Dễ thấy rằng, sự xâm nhập của các loại hình văn hóa internet như game, phim ảnh có nội dung bạo lực… đã tiêm nhiễm những ảnh hưởng xấu cho một bộ phận thanh thiếu niên. Lệch lạc về nhận thức dễ nảy sinh tâm lý đua đòi và đẩy các em vào lối sống sa đọa, nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến con đường phạm tội.

Sự thiếu quan tâm, chỉ dạy của các bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Không ít thanh thiếu niên hư hỏng xuất thân từ hoàn cảnh gia đình éo le, cha mẹ ly hôn; hay đơn giản là do phụ huynh mải mê vào việc kiếm tiền và “chuộc lỗi” cho sự thiếu trách nhiệm với con cái bằng cách đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về vật chất. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường chỉ quan tâm đến việc nâng cao trí thức mà lơ là vấn đề giáo dục nhân cách cho các em. Sự buông lỏng của gia đình, nhà trường khiến không ít thanh thiếu niên lạc hướng, mò tìm đến những hình thức giải trí thiếu lành mạnh và vô tình tiếp xúc với nhiều thành phần bất hảo trong xã hội.

Một điều không thể phủ nhận, phần lớn phẩm chất, tâm lý tốt, xấu của con người được hình thành từ việc tiếp thu trong môi trường xã hội. Thực tế cho thấy, hiện nay đa số người phạm tội đều không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng thiếu sự sẻ chia của người thân và gia đình. Trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế, sống thiếu lý tưởng cùng tệ nạn bủa vây khiến cho nhiều người trở nên kém bản lĩnh, mù quáng, dễ sa ngã và đi vào con đường phạm tội. Giá trị của quyền được sống, được tôn trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản con người không hiện diện trong tâm lý, ý thức của những người này. Từ những áp lực trong cuộc sống có thể khiến họ ra tay giết hại đồng loại của mình một cách vô cảm.

Ngoài ra, việc sử dụng các loại chất kích thích gây cảm giác ảo cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng các vụ trọng án. Mặt quản lý xã hội cũng là yếu tố cần thiết được kiểm soát chặt chẽ. Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, nhiều cơ quan quản lý vẫn chưa đánh giá hết tình hình phức tạp, tính chất vi phạm và tội phạm trong giới trẻ. Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa có tính răn đe, ngăn ngừa. Các cấp, các ngành còn chưa thực hiện hết trách nhiệm vi phạm pháp luật của người chưa thành niên mà coi đó là trách nhiệm của gia đình và nhà trường.

Trong quan điểm thông thường về tâm lý học tội phạm, sau khi gây án, đặc biệt là vụ án giết người, kẻ sát nhân thường mất bình tĩnh và run sợ. Thế nhưng thời gian vừa qua, nhiều vụ giết người với tính chất, hành vi man rợ ngày càng gia tăng. Đặc biệt kẻ gây án đang có xu hướng trẻ hóa. Biến đổi kinh tế - xã hội là những tác nhân quan trọng có tác động trực tiếp tới sự gia tăng tội ác, bởi sự phát triển nóng và đa dạng của xã hội đã kéo theo các mầm mống tội phạm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast