“4 tại chỗ” trong PCLB: Cần cụ thể, sát thực và đồng bộ!

Những thiệt hại do thiếu sự chủ động từ phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) luôn là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão lụt (PCBL) ở tỉnh ta. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và cơ sở vật chất, tài sản của nhân dân tại một số địa phương xem ra vẫn còn nặng về hình thức!

Bài học thực tiễn

Trận lũ kinh hoàng năm 2010 làm ngập chìm trong biển nước 183 xã của tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã, trong đó có 105 xã bị cô lập hoàn toàn; làm chết 51 người, 175 người bị thương; thiệt hại ước tính 6.374 tỷ đồng... Anh Nguyễn Minh Vị - Phó Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc (Can Lộc) nhớ lại: Trận lũ năm ấy, Can Lộc là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất về người. Cả huyện có 9 người chết và nhiều người bị thương. Suy cho cùng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn về người là do bị động trong việc thực hiện các phương châm “4 tại chỗ”, lúng túng trong việc phòng tránh lũ lụt. Là địa phương ít khi xẩy ra mưa lụt nên người dân ở đây có tâm lý chủ quan, coi thường. Mặt khác, công tác tuyên truyền, tập huấn về PCBL còn hạn chế dẫn đến người dân thiếu kinh nghiệm bảo vệ tính mạng của mình trước lũ lụt.

Xã Sơn Tân (Hương Sơn) thường xuyên kiểm tra, bão dưỡng phương tiện cứu hộ trước mùa mưa lũ. Ảnh: P.V.
Xã Sơn Tân (Hương Sơn) thường xuyên kiểm tra, bão dưỡng phương tiện cứu hộ trước mùa mưa lũ. Ảnh: P.V.

Hay như ở xã Đức Lạc (Đức Thọ), yếu tố chỉ huy tại chỗ đã bị xem thường khi giữa lúc khẩn cấp lại không thể liên lạc được với chủ tịch xã để giải cứu người dân ra khỏi vùng ngập lũ. Trong khi đó có vùng đã bị cô lập nhiều ngày, lương thực, thực phẩm dự trữ đã hết, người dân kiệt sức vì đói và rét. Cũng có nơi, phương châm “4 tại chỗ” lại trở thành “dẫm chân tại chỗ” như sự cố xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên... Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, lãnh đạo tỉnh muốn trực tiếp đi kiểm tra và ứng cứu người dân bị mắc lụt thì phương tiện của huyện lại không có nhiên liệu... Vật tư tại chỗ trên báo cáo thường rất bài bản nhưng khi “lâm trận” mới biết thực chất vấn đề…!

Chủ quan, hình thức!

Ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCBL - tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh cho rằng: Điều kiện tiên quyết và nhất quán là phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân khi bão lũ xẩy ra. Phương châm “4 tại chỗ”, tất cả các cấp, ngành và tổ chức chính trị, xã hội, các gia đình, người dân… đều phải chuẩn bị, chủ động để ứng phó và khắc phục hậu quả khi xẩy ra bão lũ.

Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị lực lượng và phương tiện tham gia phòng chống bão lụt.
Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị lực lượng và phương tiện tham gia phòng chống bão lụt.

Hòa Hải (Hương Khê) là xã vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt, thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Công tác PCBL - TKCN năm nay xã cơ bản đã ban hành trên hệ thống văn bản. Song, về phương châm “4 tại chỗ” vẫn còn thiếu phương án cụ thể đối với các vùng sạt lở đất, vùng lũ quét và kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phương tiện di dời dân khi cần thiết... Riêng về vật tư phên, tre thì xã chỉ hợp đồng “miệng” với các gia đình, đến khi nào xẩy ra bão lũ mới tiến hành chặt tre và đan phên!?

Xã Hà Linh dù đã có kế hoạch phân công dự trữ rơm, tre, bao tải nhưng qua kiểm tra thực tế lại chưa có sẵn...

Tại xã Vượng Lộc (Can Lộc) cũng chỉ mới ký hợp đồng kinh tế, huy động phương tiện với 3 hộ dân. Nhưng theo ông Nguyễn Bảo - Xã đội phó thì hợp đồng ký kết nhưng chưa chắc đã điều động được vì có khi họ bận hoặc xe hỏng?

Ở nhiều địa phương, việc chuẩn bị “4 tại chỗ” dường như chỉ nghiêm túc trên… văn bản, còn thực tế triển khai còn nặng tính đối phó, hình thức. Một số nơi còn đơn giản hóa bằng hợp đồng “miệng” nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động phương tiện, vật tư, vật liệu, lương thực, thực phẩm tại chỗ. Trong khi đó, một số chủ tịch xã lại không nắm được các phương án PCBL - TKCN cụ thể như thế nào, hợp đồng ra sao mà đều phụ thuộc vào cán bộ chuyên trách. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về thiên tai bão lũ, cách thức phòng, chống còn hạn chế.

Thực tế, phương châm “4 tại chỗ” còn gặp khó khăn ở nhận thức của cộng đồng. Người dân còn thiếu kiến thức về các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với thiên tai, thảm họa. Tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác vẫn tồn tại khá phổ biến dẫn đến tổn thất, thiệt hại không đáng có còn xảy ra. Việc dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu trong nhân dân chưa thực sự được chú trọng. Nhiều địa phương lũ lụt xẩy ra mới 2 ngày, người dân đã hết sạch lương thực, thực phẩm dự trữ...

Cần có phương án cụ thể, đồng bộ

Mùa mưa bão năm 2013 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường; số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, thời tiết năm nay có hiện tượng tương tự như năm 2010 - năm tỉnh ta liên tiếp gánh chịu các trận lũ lớn. Trong khi đó, 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh lại khá “yên bình” trong mùa mưa bão, nên dễ dẫn đến tâm lý chủ quan trong công tác PCBL - TKCN. Bởi vậy, nếu các địa phương thiếu sự chủ động xây dựng các phương án cụ thể, sát đúng, đồng bộ từ trên xuống; lơ là, hình thức với việc chuẩn bị “4 tại chỗ” thì sẽ khó tránh khỏi những thiệt hại nặng nề về người và tài sản khi mưa lũ xảy ra.

Ông Nguyễn Võ Trình - Chủ tịch UBND xã Bùi Xá (Đức Thọ): Ý thức chủ động của người dân đóng vai trò quyết định

Vào mùa mưa bão, các hộ dân trong xã đều có kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ sơ tán lúc cần thiết. Mỗi nhà đều có sẵn thuyền ba lá để vận chuyển tài sản, vật nuôi khi lũ lụt xẩy ra. Chính quyền địa phương còn trang bị cho mỗi thôn một loa nén để thông báo cho người dân kịp thời đối phó với mưa lũ... Khi xẩy ra bão lụt, tài sản được người dân đưa lên gác, còn người và vật nuôi được di chuyển lên đê La Giang, đảm bảo an toàn....

Sự chủ động trong công tác chuẩn bị cũng như ứng phó với bão lụt của người dân chính là yếu tố quyết định để xã Bùi Xá đảm bảo an toàn tính mạng, của cải nhân dân trong các đợt lũ lụt.

Ông Bùi Lê Bắc - Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh: Chính quyền cấp xã có vai trò quan trọng trong chuẩn bị “4 tại chỗ”

Trong công tác PCBL - TKCN, chính quyền địa phương cấp xã có vai trò hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, địa phương nào huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản sẽ giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân...

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc chuẩn bị “4 tại chỗ”, tỉnh và huyện cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra thực tế triển khai và xem đây là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng địa phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast