Bảo đảm quyền con người trong xử lý vi phạm hành chính

(Baohatinh.vn) - Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định trình tự, thủ tục, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đều do cơ quan hành chính thực hiện, đã bộc lộ nhiều bất cập.

Tiếp tục kế thừa, đổi mới, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quy định này đã tạo bước chuyển cơ bản, đưa việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính từ các quyết định mang tính thủ tục hành chính sang việc thụ lý, xem xét và phán quyết của một cơ quan bảo vệ pháp luật. Có thể nói, bằng việc làm này, luật pháp nước ta đã nâng cao hơn việc bảo đảm quyền con người trong quá trình xem xét, quyết định đưa hay không đưa một người có hành vi vi phạm hành chính vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bảo đảm quyền con người trong xử lý vi phạm hành chính ảnh 1

Ảnh minh họa (Zing.vn)

Ngày 20/1/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (Pháp lệnh số 09). Theo đó, các quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND được xây dựng tương tự như thủ tục tố tụng của tòa án, đảm bảo tính chặt chẽ, dân chủ, công khai, khách quan, chính xác, theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Pháp lệnh số 09 quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được thực hiện thông qua phiên họp do một thẩm phán được chánh án tòa án phân công thực hiện. Phiên họp có sự tham gia của cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên để họ có cơ hội được trình bày ý kiến, cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án. Phiên họp phải có sự tham gia của đại diện viện kiểm sát cùng cấp.

Theo quy định của pháp lệnh, Viện KSND thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật…

Triển khai thực hiện pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện KSND tối cao đã có Quyết định số 566/QĐ-VKSTC-V9 ngày 14/11/2014, Quyết định số 39/QĐ-VKSTC-V9 ngày 8/4/2015 về việc giao nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án trong ngành KSND. Đồng thời, giao bổ sung nhiệm vụ cho viện kiểm sát các cấp, cụ thể: các đơn vị kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật tham gia phiên họp và kiểm sát việc tuân theo pháp luật về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của TAND cùng cấp; đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự thực hiện nhiệm vụ tham gia phiên họp và kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của tòa án cùng cấp. Đơn vị khiếu tố viện kiểm sát các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của tòa án cùng cấp trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Thực hiện Pháp lệnh số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quyết định giao nhiệm vụ của Viện KSND tối cao, 3 tháng đầu năm 2015, đã có 7/12 đơn vị viện kiểm sát các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiến hành công tác kiểm sát đối với 9 trường hợp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của TAND cùng cấp. Bước đầu, công tác kiểm sát đã đạt được hiệu quả, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho những người bị yêu cầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast