"Cát tặc” lộng hành, thách thức pháp luật!

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, cát tặc ngang nhiên lộng hành hoặc hoạt động lén lút... “móc ruột” lòng sông, khe suối, làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, sạt lở đất đai, cầu cống. Bên cạnh đó, "vấn nạn" này còn gây bất ổn tình hình an ninh trật tự và gây bức xúc trong nhân dân...

“Rút ruột” lòng sông

Hà Tĩnh có tốc độ tăng trưởng vượt bậc với nhiều dự án, công trình trọng điểm của cả nước nên nhu cầu cát, sỏi... phục vụ xây dựng vô cùng lớn. Hơn nữa, lợi nhuận cao từ khai thác cát, sỏi trái phép mang lại khiến hoạt động này ngày càng diễn ra phức tạp. “Trên bến, dưới thuyền”, không kể ngày đêm, tại hầu hết các lòng sông, khe suối, “cát tặc” đều “rút ruột”. Sông Lam, sông La, Ngàn Trươi, Ngàn Phố, sông Nổ, Ngàn Sâu..., đặc biệt là các vùng hẻo lánh có những thời điểm là cõi riêng của “cát tặc”. Cát ngọt, cát mặn..., tuốt tuột đều được hút lên sà lan, thuyền máy không có đăng ký, đăng kiểm đưa về nơi tập kết...

"Cát tặc” lộng hành, thách thức pháp luật! ảnh 1

Một chiếc xà lan hút cát trên sông La đoạn qua huyện Đức Thọ

Tại khu vực sông Rào Trổ, đoạn qua xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh) đã từng xẩy ra tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trái phép. Qua tìm hiểu cho thấy, sau khi các đơn vị triển khai xây dựng hạng mục lòng hồ Rào Trổ (dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng), tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực sông Rào Trổ như “nấm sau mưa”. Các đầu nậu ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện tiến hành khai thác, kinh doanh và vận chuyển cát trái phép công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”, khiến người dân hết sức bức xúc.

Mới đây (ngày 16/11), tại khu vực bến đò thuộc địa phận xóm 4, xã Phương Điền (Hương Khê) lại xuất hiện 1 nhóm người dùng máy hút cát cạnh bờ sông Ngàn Sâu bên cánh đồng Lòi Pheo rồi bơm lên tập kết ở bãi bồi để đưa đi tiêu thụ. Được biết, mỗi xe cát được bán với giá từ 300-600 ngàn đồng. Nhiều xe tải tấp nập vận chuyển cát đi tiêu thụ khiến đường giao thông nội đồng bị “băm nát”. Theo lãnh đạo địa phương, thời gian qua, xã đã tăng cường lực lượng ngăn chặn nhưng vẫn còn một số người dân dùng xà lan khai thác trộm vào ban đêm nên rất khó xử lý.

Không chỉ ngang nhiên khai thác trái phép giữa ban ngày, ngay cả khi giáp mặt với chính quyền và lực lượng chức năng, “cát tặc” còn liều lĩnh chửi bới, lăng mạ và... không ít lần đánh cả người thi hành công vụ.

Điển hình gần đây nhất là vào sáng 27/10/2015, theo chỉ đạo của UBND huyện, các lực lượng gồm: công an, thôn đội, cán bộ, công chức xã Hà Linh (Hương Khê) tiến hành tháo dỡ bến Bãi Nậu xóm 9 vì khai thác cát trái phép, tuy nhiên, ông Lê Tuấn Yên (chủ bến) cùng vợ là Nguyễn Thị Thu Hương đã có hành vi ngăn cản, xô đẩy trưởng công an xã và chửi bới, lăng mạ chủ tịch UBND xã. Không chỉ vậy, trước những lời giải thích, yêu cầu của chủ tịch UBND xã, ông Yên còn xông vào đánh vị đứng đầu xã.

Hầu hết mỏ không có giấy phép

Thực tế cho thấy, trong số hàng trăm điểm mỏ khai thác trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có rất ít mỏ được cấp phép! Tại 5 huyện mà chúng tôi đã tìm hiểu gồm: Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn và Nghi Xuân, chỉ có mỏ cát xã Đức Hương của Công ty TNHH Quyết Thắng là đang có thời hạn khai thác đến năm 2020. Huyện Hương Khê không có mỏ nào được cấp phép. Các huyện còn lại đều không có điểm nào được cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh cho thuê đất tập kết cát kinh doanh nên dù có một số mỏ được cấp phép khai thác cũng phải hoạt động... trái pháp luật.

"Cát tặc” lộng hành, thách thức pháp luật! ảnh 2

Hiện nay, phần nhiều bến, bãi tập kết cát trên địa bàn tỉnh ta chưa được cấp phép hoạt động.

Đáng ngạc nhiên hơn, tại tất cả các bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đều không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh) cấp. Các bến bãi này hoạt động hoàn toàn tự phát hay chỉ thuê đất của tổ chức, cá nhân trái với quy định. Vừa qua, các hộ dân ở tổ dân phố Hoành Nam và Liên Sơn (phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh) cũng hết sức bức xúc trước sự xuất hiện của 1 bãi tập kết cát trái phép của 1 doanh nghiệp. Trên diện tích gần 5.000 m2, hàng ngàn m3 cát được tập kết thành một khối khổng lồ. Địa điểm tập kết cát ở sát nhà dân nên bụi bay thẳng vào nhà, gây ô nhiễm môi trường; bên cạnh đó, các phương tiện vận chuyển cát hoạt động thường xuyên còn làm ảnh hưởng đến hệ thống đường giao thông.

Đi cùng với hoạt động chui này, hầu như các bến bãi đều không hoặc chưa thực hiện đầy đủ những quy định về môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, đe dọa an toàn đê sông, đê biển, gây thiệt hại tài sản của người dân và bức xúc trong dư luận. Nhiều cuộc tranh chấp địa bàn khai thác, tranh chấp lợi ích đã được giải quyết bằng vũ lực. Hoạt động bảo kê, chèn ép, gây áp lực với các chủ mỏ, doanh nghiệp xuất hiện tại nhiều địa bàn...

(Còn nữa)

Chủ đề Khai thác tài nguyên trái phép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast