Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta , là chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mãi mãi là biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam.

Rồng lửa” SAM trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (Ảnh tư liệu TTXVN)
Rồng lửa” SAM trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (Ảnh tư liệu TTXVN)

Cuối tháng 12-1972, quân, dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô chưa từng có trong lịch sử, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút quân về nước; tạo bước ngoặc quyết định để quân và dân ta đánh cho “Mỹ cút, nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX; là trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mãi mãi là biểu tượng của ý chí và trí tuệ Việt Nam. Một nguyên nhân rất quan trọng góp phần vào chiến thắng đó là, quân và dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã tiến hành có hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT), xây dựng lực lượng Bộ đội PK-KQ có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, tinh thần dám đánh, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Phi công Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong trận "Điện Biên Phủ trên không" trước khi hy sinh. Ảnh: TL
Phi công Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong trận "Điện Biên Phủ trên không" trước khi hy sinh. Ảnh: TL

Để phát huy nhân tố chính trị, tinh thần, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội trong chiến dịch 12 ngày đêm, cuối tháng 12-1972, Quân chủng PK-KQ đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ về phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Những lời tiên tri, dự báo thiên tài của Bác Hồ đã củng cố quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung và Quân chủng PK-KQ nói riêng, trong suốt cuộc kháng chiến đầy cam go, thử thách đối đầu với không quân hiện đại của đế quốc Mỹ. Ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã đặt vấn đề về việc nghiên cứu B52 và chuẩn bị cho đánh B52. Ngày 19-7-1965, khi đến thăm Trung đoàn 234 (Quân chủng PK-KQ), Bác Hồ đã khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Năm 1966, khi máy bay Mỹ đánh Quảng Bình, Bác chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ phải tìm cách đánh cho được B52. Bác căn dặn Quân chủng PK-KQ “Muốn bắt được cọp thì phải vào tận hang”. Thực hiện lời dạy của Bác, Quân chủng đã đưa Trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh nghiên cứu tìm cách đánh B52; đến ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn tên lửa 238 đã bắn rơi một chiếc B52, đây là kíp chiến đấu đầu tiên của bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay B52 của không quân Mỹ trên chiến trường miền Bắc.

Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh: TL
Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh: TL

Trước chiến dịch 12 ngày đêm, Quân uỷ T.Ư, Tổng cục Chính trị đã tập trung chỉ đạo các đơn vị quân đội, nhất là Quân chủng PK-KQ tăng cường hoạt động CTĐ, CTCT, làm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền bắc và Thủ đô Hà Nội nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của địch; tính chất gay go, ác liệt của cuộc đối đầu lịch sử; nêu cao tinh thần yêu nước, khắc sâu lòng căm thù tội ác của đế quốc Mỹ; khắc phục mọi biểu hiện hữu khuynh, dao động, thiếu niềm tin vào chiến thắng... Thực tế cho thấy, sau các trận máy bay B52 của Mỹ đánh vào các địa bàn: Vĩnh Linh, Thanh Hóa, Hải Phòng (tháng 4-1972), các đơn vị tên lửa của ta chiến đấu hiệu suất kém, cho nên đã xuất hiện tư tưởng trong bộ đội và nhân dân, không tin vào tên lửa của ta có thể đánh được B52 rơi tại chỗ. Nhất là, giữa tháng 10-1972, các tin tức về thoả thuận ngừng bắn, cùng với việc Níc-xơn tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, một số người cho là “sắp sửa đình chiến rồi”; thêm vào đó, theo chủ trương của cấp trên, một đơn vị tên lửa của Hà Nội được lệnh thay nhau cho anh em về phép để chuẩn bị “đi B”, sẵn sàng đối phó với khả năng chuyển hướng của tình hình mới... Do vậy, trong cán bộ, chiến sĩ PK-KQ và các đơn vị ở phía bắc đã xuất hiện tư tưởng “ảo tưởng hòa bình”. Trước tình hình trên, Đảng uỷ Quân chủng PK-KQ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn lực lượng, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhiệm vụ của Quân chủng để bộ đội ổn định về tư tưởng, xác định quyết tâm bước vào cuộc chiến đấu mới.

Thời gian này, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân chủng đã dốc sức xây dựng quyết tâm, tìm tòi sáng tạo cách đánh, chuẩn bị thế trận và vũ khí trang bị, bảo đảm cho đón đánh máy bay chiến lược B52 và các loại máy bay của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, sau khi Quân uỷ T.Ư và Bộ tổng Tư lệnh thông qua kế hoạch và phương án tác chiến chiến dịch đất đối không cuối tháng 9-1972, Đảng uỷ Quân chủng PK-KQ đã ra nghị quyết tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, kể cả máy bay B52. Để thực hiện quyết tâm trên, Quân chủng đã tổ chức tốt việc sơ kết rút kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc; tổ chức hội nghị chuyên đề bàn cách đánh B52; trao đổi kinh nghiệm chống nhiễu, cách phân biệt nhiễu thật và nhiễu giả B52 trong tầm đánh… Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đi đôi với làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội dám đánh, quyết đánh và quyết thắng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ.

Bên xác máy bay địch. Ảnh: TL
Bên xác máy bay địch. Ảnh: TL

Bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, hoạt động CTĐ, CTCT của các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng PK-KQ tập trung quán triệt cho bộ đội nắm vững phương án tác chiến, động viên cán bộ, chiến sĩ, các kíp chiến đấu phát huy trí tuệ sáng tạo, tìm cách đánh, quyết tâm đánh, quyết bắn rơi máy bay B52 tại chỗ. Phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn Quân chủng được các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai phát động kịp thời, tạo không khí thi đua sôi nổi, động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của đế quốc Mỹ. Các cấp uỷ đảng đã phát huy tốt vị trí, vai trò lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; đội ngũ chính uỷ, chính trị viên các cấp sâu sát, bám sát hoạt động của bộ đội, phát huy trách nhiệm, tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cùng người chỉ huy kịp thời xử lý mọi tình huống trong chiến đấu.

Bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT, cho nên dù bom Mỹ đánh phá ác liệt xuống các địa bàn, công sự, trận địa, sân bay, cơ sở kỹ thuật, kho tàng... trong điều kiện hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thuật, song quân và dân cả nước, nhất là quân, dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và Quân chủng PK-KQ đã không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, tìm tòi, sáng tạo vượt qua mọi thử thách quyết liệt, đoàn kết, chi viện lẫn nhau quyết tâm đánh thắng siêu pháo đài bay B52 của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, nhất là kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trước và trong chiến dịch 12 ngày đêm đối đầu với không quân của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng, được đúc kết từ thực tiễn chiến đấu của quân và dân Hà Nội nói chung, Quân chủng PK-KQ nói riêng ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Những kinh nghiệm đó đã và đang được Quân chủng PK-KQ, các địa phương, đơn vị tiếp tục vận dụng sáng tạo trong điều kiện hoàn cảnh mới, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast