CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI LÍNH PHÁ BOM

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng trên mảnh đất Hà Tĩnh - “một thời đạn bom” vẫn còn rất nhiều bom, mìn và các loại vật liệu nổ khác đang nằm trong lòng đất. Ngày lại ngày, các chiến sỹ Trung đội 17 công binh (Bộ CHQS tỉnh) vẫn thầm lặng chiến đấu, dò tìm, xử lý bom mìn. Mỗi bước chân của các anh đi qua là thêm những vùng “đất chết” được hồi sinh xanh mư ợt lúa, ngô...; là những công trình KT -XH mang niềm vui, no ấm đến với nhân dân .

Khuất phục “thần chết”

CBCS công binh đang buộc và tra kíp nổ vào lượng nổ để phá quả bom 750 bảng ở khe Bồng Phài (Sơn Tây) Anh: Bá Tân

CBCS công binh đang buộc và tra kíp nổ vào lượng nổ để phá quả bom 750 bảng ở khe Bồng Phài (Sơn Tây)

Anh: Bá Tân

Nắng tháng 5 như đổ lửa xuống mặt đường. Tôi theo Trung đội trưởng Trần Danh Thắng ra công trường cách lán trại của trung đội 1 km. Vừa đi, Thắng vừa tâm sự: “Trước khi vào tuyến, ngoài việc huấn luyện các khoa mục của binh chủng công binh, các chiến sỹ còn được đào tạo 2 tháng về kỹ năng sử dụng máy dò bom, mìn, cách đào, tháo, gỡ dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của những cán bộ kỹ thuật (Ban Công binh tỉnh) dày dạn kinh nghiệm về xử lý loại vật liệu nổ này”. Công trình mà các anh đang rà phá bom mìn là đường Hương Lâm đi Bản Giàng dài 13 km với những quả đồi bạt ngàn sim, mua và cỏ dại. Những chiến sỹ làm nhiệm vụ phát tuyến, mồ hôi ướt đẫm bộ quân phục. Phát tuyến xong, chiến sỹ binh nhất Hồ Quang Huân - vai đeo túi cờ hiệu, tay cầm máy TM88 dò ở độ sâu 0,3m, bám theo tuyến, nhẹ nhàng đưa đi đưa lại bàn quét tín hiệu. Mỗi khi chiếc đĩa trên đầu máy dò mìn phát ra tiếng bíp, bíp... báo hiệu có vật kim loại trong lòng đất thì Huân dừng lại lấy chiếc cờ đuôi nheo trong túi đeo bên hông nhẹ nhàng cắm xuống đất để đánh dấu. Binh nhất Dần đi sau tiến lên vị trí cắm cờ, thận trọng dùng thuốn dò độ sâu của vật liệu nổ trong lòng đất mới từ từ khơi chúng lên, rồi dùng chốt kẹp xử lý, rút ngòi nổ. Dụng cụ của họ là chiếc xô nhựa đựng một ít cát, chiếc xẻng và con dao đeo bên mình. Các vật liệu nổ thu được, các chiến sỹ gom cẩn thận vào một cái thùng gỗ chắc chắn được lót cát mịn dưới đáy để vận chuyển an toàn về khu vực riêng. Từ đây, một chiếc xe chuyên dụng sẽ vận chuyển các vật nổ về bãi hủy nổ. Chiến sỹ Huân cho biết: “Có những công trình anh em dò gỡ được những quả bom nặng 5 - 7 trăm bảng và hàng chục loại đầu đạn, lựu đạn, bom bi... Công tác rà phá bom, mìn có tính chất đặc biệt nguy hiểm nên khi vào công việc cụ thể, mọi người đều phải tập trung cao độ và rất căng thẳng. Phải nắm vững nguyên lý hoạt động của các loại bom mìn và không cho phép một sơ suất nhỏ nào, như vậy mới đảm bảo an toàn tính mạng cho đồng đội”. Binh nhất Trần Đình Dần quê ở Đức Thọ kể: “Phát tuyến phải hết sức cẩn thận và cảnh giác với các loại quả nổ ở vùng đất nông. Chúng em khi làm không ai nói chuyện với ai vì mắt và tất cả dây thần kinh của đầu, chân phải tập trung vào công việc. Chỉ cần sơ ý một tý thôi thì nhẹ cũng bị xây xát, còn nặng thì …”. Để xử lý, hủy nổ bom thì quy trình lại càng phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Trong chiến tranh, bộ đội ta khi phá bom thường ốp vào thân bom vài kg bộc phá và cho nổ. Nhưng nay là thời bình, việc gây nổ 1 quả bom nặng hàng tạ, thậm chí hàng tấn thì vô cùng nan giải. Vả lại, việc vận chuyển 1 quả bom đang nằm giữa một vùng dân cư sầm uất, có khi lại gần 1 công trình kinh tế quan trọng, nếu phát nổ, hậu quả thật khôn lường. Còn nhớ cách đây 2 năm, tôi được các anh trong Ban Công binh tỉnh dẫn đi “mục sở thị” công việc phá bom ở Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Quả bom có trọng lượng 750 bảng (352 kg) có đường kính 40cm, dài 1,5m, khi đào lên còn xanh ánh thép được các chiến sỹ công binh vô hiệu hóa ngòi nổ và vận chuyển an toàn về nơi hủy nổ ở trong rừng cách khu dân cư 30 km. Tổ xử lý bom có 5 cán bộ chiến sỹ (CBCS), ngoài Thắng là Tổ trưởng còn có Phúc, Dũng (Trung đội Phó chuyên môn), Thanh (kỹ thuật), Thành (quân y). Thiếu tá Nguyễn Văn Bính trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trong quá trình xử lý. Khi Thắng bước vào vị trí bom để gói buộc và tra kíp nổ vào lượng nổ thì cả 5 người đều ở bên cạnh anh. Không ai nói một lời, bởi họ biết mọi lời nói lúc này đều thừa. Sự có mặt của đồng đội càng làm cho Thắng thêm vững tâm. Trời lạnh nhưng những giọt mồ hôi vẫn chảy dài trên gương mặt cương nghị, rắn rỏi của anh. Một bầu không khí im lặng đến nghẹt thở bao trùm. Trung tá Bính kiểm tra lại lần cuối và cho toàn đội về vị trí ẩn nấp an toàn. Thao trường được báo động. Lệnh điểm hỏa được phát ra. “Ầm”! Một tiếng nổ làm rung chuyển cả khu vục ẩn nấp. Đất, đá và mảnh bom bay rào rào trên các tán cây rừng. 15 phút sau, thao trường hủy nổ được thông báo an toàn, lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Hồi sinh những vùng “đất chết"

Một quả bom được chuyển từ khu vực cữa khẩu quốc tế Cầu Treo về khu vực huỷ nổ Ảnh: Bá Tân

Một quả bom được chuyển từ khu vực cữa khẩu quốc tế Cầu Treo về khu vực huỷ nổ

Ảnh: Bá Tân

CBCS Trung đội 17 công binh hầu hết có tuổi đời còn trẻ. Trung đội Trưởng Trần Danh Thắng là người “già” nhất cũng mới 32 tuổi và có 6 năm gắn bó với công việc rà phá bom mìn. Công việc gian khổ, nguy hiểm là vậy nhưng nhiều chiến sỹ đã không ngại ngần gắn bó đời mình với nó. Ngoài công việc chuyên môn, các anh còn làm tốt công tác dân vận nơi mình đóng quân dã ngoại. Ông Cao Văn Hưu - một người dân nơi đơn vị đóng quân dã ngoại kể: “Đợt lũ lụt vừa qua nếu không có các chiến sỹ đến giúp những gia đình trong xóm chằng néo nhà cửa thì có lẽ hơn nửa xóm này trôi ra biển hết rồi. Sau lũ, các chú lại đến từng gia đình giúp dọn dẹp nhà cửa và hướng dẫn bà con cách vệ sinh đề phòng dịch bệnh”. Trung tá Nguyễn Đức Hải - Trưởng ban công binh (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: “Với thực trạng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở tỉnh ta hiện nay, việc dò tìm, xử lý là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Từ năm 1991 đến nay, lực lượng công binh tỉnh đã “làm sạch” được hàng nghìn ha đất và phá gần 500 quả bom có trọng lượng từ 250 bảng trở lên, 2.500 bom bi và tiêu hủy nhiều tấn đạn, vật liệu nổ cấp 5. Nhiều công trình KT - XH trọng điểm của tỉnh trong thời gian qua đã được đơn vị dò tìm đảm bảo an toàn trước khi khởi công như: đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, trung tâm thương mại, mặt bằng khu công nghiệp Vũng áng, Nhà máy nhiệt điện, Mỏ sắt Thạch Khê, đường Nam Cầu Cày - Thạch Đồng, đường Hương Lâm đi Bản Giàng...”.

Chia tay với những chiến sỹ Trung đội 17 công binh đầy quả cảm, tôi thật sự cảm kích trước những việc làm của họ và hiểu rằng trong sự phát triển của quê hương, đất nước hôm nay có một phần đóng góp, hy sinh thầm lặng của các anh. Chiều dần buông. Tiếng hát của các chiến sỹ hòa lẫn trong tiếng gió nơi đại ngàn... Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...”.

Theo ước tính, hiện còn khoảng 350.000 - 800.000 tấn bom mìn và các vật liệu nổ từ thời chiến tranh vẫn còn nằm trong lòng đất trên khắp đất nước Việt Nam. Cho đến nay, đã có 38.849 người bị thiệt mạng và 65.752 người khác bị thương do bom mìn và các vật liệu nổ chưa được tháo gỡ kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ vào năm 1975.

Nguồn: Bomicen - Trung tâm rà phá bom mìn Việt Nam

Tháng 5-2008

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast