Điện Biên Phủ trên không - Chiến thắng của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử gian khổ mà hào hùng của mình, dải đất hình chữ S – Việt Nam đã phải oằn mình chống đỡ nhiều cuộc chiến tranh. Và cũng từ trong những cam go, khốc liệt ấy, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam được khẳng định. Ngoài chiến thắng Điện Biên Phủ “vang dội 5 châu, chấn động địa cầu”, cách mạng Việt Nam còn tự hào với rất nhiều chiến công hiển hách mà chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội năm 1972 là một ví dụ như thế.

Vào tháng 10 năm 1972 lẽ ra giữa ta và Mỹ đã đi tới một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận, nhưng phía Mỹ đã bội ước, đưa máy bay chiến lược B52 đến ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Mưu đồ của Tổng thống Ních-xơn và tập đoàn hiếu chiến Mỹ là dùng sức mạnh của B52, con chủ bài cuối cùng, để ép ta trên bàn đàm phán, hòng buộc ta phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của họ. Để thực hiện âm mưu đó, trong 12 ngày đêm (18/12 - 29/12/1972), không quân Mỹ đã tập trung trên 1.000 lần chiếc máy bay (trong đó có khoảng 500 lần chiếc B.52), trút 40.000 tấn bom xuống nhiều khu dân cư: Khâm Thiên, An Dương, Uy Nỗ, Bệnh viện Bạch Mai, Yên Viên, Gia Lâm, Đông Anh, Văn Điển, Giáp Bát, Đài phát thanh Mễ Trì… làm cho gần 2.400 người chết và 1.355 người khác bị thương. Sau 12 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân Thủ đô cùng các địa phương miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích đường không của Mỹ, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52 (riêng Hà Nội bắn rơi 25 máy bay B.52). Đây thực sự là một chiến công mang tầm vóc thời đại, một trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973).

Sẵn sàng bắn hạ B52. Nguồn Internet

Sẵn sàng bắn hạ B52. Nguồn Internet

Phát biểu tại hội thảo 40 năm chiến thắng ĐBP trên không mới đây, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, là một kỳ tích vô song, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Để có được Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12-1972, vấn đề đầu tiên và có tính quyết định là sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật của ta. Đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Binh chủng Không quân phải nghiên cứu cách đánh B-52. Trên cơ sở đó, Binh chủng Không quân đã cử các cán bộ tham mưu và phi công vào Quảng Bình, Vĩnh Linh…trực tiếp quan sát, tìm hiểu đội hình, quy luật hoạt động của B-52 cả ngày đêm; xây dựng phương án tác chiến, nghiên cứu cách đánh và huấn luyện một số phi công Mig chuyên đánh B-52. Đồng thời, tổ chức củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống sân bay trên miền Bắc. Cùng với đó, Không quân tập trung xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho các thành phần, tập trung nhất là đội ngũ phi công. Cuối tháng 11-1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. Trong 12 ngày đêm đánh B-52, vượt lên những khó khăn về kỹ thuật tác chiến, điều kiện chiến đấu, khắc phục những khó khăn về tâm lý, tư tưởng, nhiệm vụ đánh B-52 đã được quán triệt sâu sắc đến mọi cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là đội ngũ phi công. Chính vì vậy, mặc dù trong quá trình đánh phá, thủ đoạn của không quân địch càng ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi, chúng ta đã tìm tòi, nghiên cứu tìm ra cách đánh sáng tạo, độc đáo như: Đánh quần, đánh gần, kéo địch đến khu vực có lợi để đánh; chủ động đánh chặn từ xa; sử dụng tất cả các số trong đội hình đều có thể tham gia công kích khi xuất hiện thời cơ; sử dụng ra-đa, thiết bị vô tuyến linh hoạt; kết hợp chặt chẽ trên không và mặt đất... Đặc biệt, Không quân ta đã nghiên cứu, áp dụng và phát triển hình thức chiến thuật từ “bay thấp, kéo cao” đến “bay cao, tiếp cận nhanh”. Với chiến thuật này, các phi công Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi liên tiếp 2 chiếc B-52 trong 2 đêm 27 và 28-12-1972.

Hà Nội trong những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

Hà Nội trong những ngày diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

Trong một bài viết của mình, Trung tướng Vũ Xuân Vinh- Nguyên Tham mưu phó Quân chủng PK-KQ, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng khẳng định: “Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân đất đối không của Việt Nam, dựa trên tác chiến của 3 thứ quân. Lực lượng PK-KQ làm nòng cốt, đánh có trọng điểm và rộng khắp với mọi đối tượng địch ở mọi độ cao, ngày cũng như đêm. Tất cả các thành phần đều lập công: Bộ đội ra-đa thông báo kịp thời, chính xác; Tên lửa đánh giỏi, bắn rơi nhiều chiếc B-52; Không quân và pháo 100mm cũng bắn rơi B-52; Cao xạ bắn rơi hàng chục máy bay cường kích các loại; Tự vệ Cơ khí Mai Động bắn rơi 1 chiếc F111A bay thấp, dân quân Hòa Bình bắn rơi 1 trực thăng cứu người lái…Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" thể hiện nghệ thuật tác chiến phòng không Việt Nam, đỉnh cao là chiến dịch chống tập kích đường không của Mỹ: Từ trận mở đầu thắng giòn giã (18-12-1972), tới trận thắng quan trọng (20-12-1972), kết cục là trận then chốt quyết định (26-12-1972)”

Cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B52 của Mỹ đã thất bại nhục nhã. Trên 80 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có hơn 30 chiếc là B52, nhiều phi công Mỹ bị bắt. Phải chịu thua trên bầu trời Hà Nội, bị dư luận thế giới lên án, Ních - xơn đã ra lệnh chấm dứt cuộc tập kích để rồi sau đó buộc phải chấp nhận thêm cuộc thua trên bàn đàm phán ở Pa-ri. Hiệp định Pa-ri đã được ký vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, cam kết sẽ không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước...

40 năm đã trôi qua, bài học lịch sử thời trung học như vẫn còn mới nóng trong tôi. Và tôi tin, niềm tự hào về một Việt Nam kiên cường, bất khuất, tài trí, sáng tạo vẫn luôn luôn sáng rõ, soi đường dẫn lối cho thế hệ trẻ trên con đường bảo vệ Tổ quốc!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast