Giảm gánh nặng trong thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô

(Baohatinh.vn) - Sau gần 2 năm thực hiện, quy định nộp phí sử dụng đường bộ theo Thông tư 197/2014/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính bộc lộ nhiều bất cập, buộc cơ quan này phải quy định lại bằng Thông tư 133/2014/TT-BCT ngày 26/9/2014. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện giao thông Hà Tĩnh để làm rõ hơn những điểm mới và quy trình thực hiện đối với ô tô.

- Từ ngày 1/11/2014, Thông tư 133/2014/TT-BCT bắt đầu có hiệu lực với nhiều quy định mới có lợi cho chủ phương tiện, doanh nghiệp (DN). Ông có thể cho biết rõ hơn về những điểm mới này?

Dễ nhận thấy nhất là đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ mở rộng hơn so với các quy định trước đây. Cụ thể là thêm các đối tượng như: phương tiện bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; phương tiện kinh doanh vận tải thuộc các HTX, DN kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên; xe ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi đất thuộc quản lý của DN, HTX (nhà ga, cảng, khu vực khai thác khoáng sản, nông - lâm nghiệp, xe dùng để sát hạch của tổ chức đào tạo dạy nghề lái xe).

Giảm gánh nặng trong thu phí sử dụng đường bộ đối với ô tô ảnh 1
Đăng kiểm xe cơ giới tại Công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện giao thông Hà Tĩnh. Ảnh: Bảo Trân

Về mức phí, thông tư mới bỏ quy định thu phí đối với rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc (bỏ nhóm 3, 5, 7, 9 trong biểu phí của Thông tư 197 trước đây); điều chỉnh tăng mức phí đối với xe đầu kéo + trọng lượng cho phép kéo theo (thêm nhóm với xe đầu kéo + trọng lượng cho phép kéo theo từ 40.000 kg trở lên); các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng đều thu ở mức phí xe dưới 10 chỗ (của tổ chức) và xe tải dưới 4.000 kg; thêm nhóm xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ vào nhóm xe dưới 10 chỗ (của tổ chức) và xe tải dưới 4.000 kg.

Một điểm mới nữa là DN có thể nộp phí theo năm dương lịch hoặc theo tháng.

- Việc mở rộng đối tượng như ông nói sẽ khiến cơ quan đăng kiểm trở thành “con nợ”. Vậy quy trình, thủ tục để được trả lại hoặc bù trừ phí đối với xe được xác nhận lại thuộc đối tượng không chịu phí sẽ ra sao, thưa ông?

Trước hết, đối với các xe ô tô bị hủy hoại do tai nạn, thiên tai, bị tịch thu, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe, bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên nếu đã nộp phí thì chủ phương tiện được trả lại phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau.

Đối với xe kinh doanh vận tải thuộc các HTX, DN kinh doanh vận tải (gọi chung là DN) tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên thì DN phải gửi hồ sơ cho Sở GTVT xác nhận; tiếp đó, DN lập hồ sơ nộp cho cơ quan đăng kiểm, nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ lập biên bản thu tem nộp phí sử dụng đường bộ; trường hợp DN chưa nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe đề nghị tạm dừng lưu hành tính đến thời điểm tạm dừng lưu hành thì phải nộp đủ phí. Khi DN muốn lưu hành lại thì làm hồ sơ đề nghị cấp lại tem nộp phí sử dụng đường bộ…

Với ô tô không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ như đã nói trên thì làm đơn đề nghị Sở GTVT xác nhận, rồi nộp một bản cho cơ quan đăng kiểm đối chiếu, nếu phù hợp sẽ không thu phí sử dụng đường bộ kể từ ngày Sở GTVT xác nhận. Trường hợp DN đề nghị cho phép lưu hành xe trên hệ thống giao thông đường bộ (từ diện không chịu phí sang chịu phí) thì gửi thông báo bằng văn bản tới Sở GTVT và cơ quan đăng kiểm, sau đó nộp phí để tham gia lại.

- Nhiều ý kiến quan ngại, với quy định mới thì phương tiện sau khi đã trả lại tem nộp phí sử dụng đường bộ vẫn có thể chạy “chui”. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

Tính đến hết tháng 9/2014, theo thống kê của chúng tôi, toàn tỉnh có 2.029 phương tiện quá hạn nhưng không đến kiểm định (chủ yếu xe tải ben), đồng nghĩa, có hàng nghìn phương tiện đang “trốn” phí đường bộ. Vấn đề này đang làm đau đầu các ngành chức năng, nhất là cơ quan đăng kiểm. Quy định mới không thu phí đối với nhiều phương tiện hoạt động trong phạm vi hẹp thì nguy cơ nhiều chủ phương tiện “lách luật” là rất cao. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương, nhất là cơ quan giao thông phải tăng cường kiểm soát nhằm tránh thất thu cho Quỹ bảo trì đường bộ.

- Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast