Nâng cao vai trò hội thẩm nhân dân

(Baohatinh.vn) - Là một bộ phận trực tiếp tham gia tiến hành tố tụng tại phiên tòa, hội thẩm nhân dân (HTND) có địa vị pháp lý đặc biệt quan trọng; chiếm tới 2/3 thành phần hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, HTND ngang quyền với thẩm phán và tham gia đóng góp ý kiến trên tinh thần quyết định theo đa số. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, vai trò của HTND còn khá mờ nhạt.

Hà Tĩnh hiện có 218 HTND được HĐND cùng cấp bầu ra với thành phần tương đối đa dạng như cán bộ tư pháp xã, giáo viên về hưu, cán bộ đoàn, CCB hay người có uy tín trong cộng đồng dân cư… Điều kiện để trở thành HTND là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, phẩm chất đạo đức liêm khiết và trung thực; có kiến thức pháp lý vững vàng, tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN và có sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sự hiện diện của HTND trong quá trình xét xử các vụ án cấp sơ thẩm thể hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; đảm bảo bản án được thi hành chính xác, khách quan, phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Nâng cao vai trò hội thẩm nhân dân ảnh 1
Thẩm phán và hội thẩm nhân dân trong một phiên xét xử.

Theo quy định, thành phần HĐXX sơ thẩm gồm 1 thẩm phán và 2 HTND. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, HTND chiếm 3/5 thành viên của HĐXX. Khi tham gia tố tụng tại phiên tòa, HTND phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, độc lập suy xét, chí công vô tư, không vì áp lực của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Trên tinh thần quyết định theo đa số, nếu ý kiến biểu quyết của HTND giống nhau nhưng khác ý kiến thẩm phán thì quyết định của HĐXX phải theo ý kiến HTND. Thẩm phán có quyền bảo lưu ý kiến và đề nghị tòa án cấp trên xem xét.

Là người đại diện cho nhân dân trong thực hiện quyền tư pháp nhưng thực tế cho thấy, HTND chưa phát huy hết vai trò của mình, khiến trách nhiệm của thẩm phán càng thêm nặng nề. Đội ngũ HTND đa phần kiêm nhiệm và hạn chế về trình độ pháp lý. Một thẩm phán phải có trình độ thấp nhất là cử nhân luật, được bồi dưỡng tại các trường đào tạo chức danh tư pháp, có thời gian làm công tác pháp luật từ 4 năm trở lên đối với cấp huyện, 6 năm trở lên đối với cấp tỉnh. Trong khi đó, kiến thức pháp lý của HTND chủ yếu thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng hay thậm chí là tự học, tự nghiên cứu. Chính sự khập khiễng này khiến việc thực hiện tinh thần “ngang quyền” và “biểu quyết theo đa số” của HTND khó có thể thi hành, nhất là đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp như thừa kế, tranh chấp đất đai, án hình sự nhiều bị cáo... Chính vì vậy, phán quyết của HĐXX thường do thẩm phán quyết định và thẩm phán có trách nhiệm giải thích cho HTND thấu đáo về lựa chọn của mình.

Không ít trường hợp, HTND đến ngày xét xử lại có việc đột xuất khiến cả “ê kíp” lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở”. Để phiên tòa diễn ra đúng dự kiến, thư kí phải linh động tìm kiếm vị hội thẩm khác thay thế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ việc các HTND làm việc theo cơ cấu. Chính vì vậy, khó có thể đòi hỏi họ tuân thủ lịch xét xử hay nghiên cứu hồ sơ tường tận, kỹ lưỡng như thẩm phán. Trong các phiên tòa, chủ tọa vẫn là người đóng vai trò trụ cột bởi rất hiếm khi HTND đặt câu hỏi hoặc nếu có, thường không đúng trọng tâm. Nhiều hội thẩm do hạn chế kỹ năng xét hỏi, kinh nghiệm sống, không biết cách đặt vấn đề để xoáy sâu, làm sáng tỏ tình tiết vụ án.

Dù quy định của Pháp lệnh thẩm phán và HTND đã ràng buộc trách nhiệm của các thành viên HĐXX tới bản án, nhưng thực tế, nếu án oan sai, thẩm phán mới là người phải chịu trách nhiệm. Điều này vô hình tạo nên kẽ hở pháp lý khiến đội ngũ HTND không phát huy hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nhất là đối với những vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận, thời gian mở phiên tòa kéo dài. Ngoài ra, kinh phí cho hội thẩm từ nguồn tập huấn của tòa án tối cao khá “bèo bọt”, chưa tương xứng với vị thế và đặc thù công việc.

Nhằm nâng cao vai trò của HTND trong quá trình xét xử, trước hết, công tác tuyển chọn hội thẩm phải được cân nhắc, xem xét. Tòa án phải có trách nhiệm phối hợp cùng MTTQ để giới thiệu. Hàng năm, ngành Tòa án phải có kinh phí bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp lý cho đội ngũ này. Chỉ khi nào HTND tự tin về kiến thức pháp luật sẽ không còn lúng túng trong việc đưa ra ý kiến; phán quyết của tòa án mới thực sự khách quan, khoa học. Các HTND phải ý thức được phán quyết của HĐXX có vai trò của hội thẩm, ảnh hưởng lớn tới quyền và lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân để từ đó dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu. Theo Phó Chánh án TAND huyện Kỳ Anh - Hoàng Ngọc Tùng: “Phải quy trách nhiệm rõ ràng quyền và nghĩa vụ pháp lý cho HTND. Có như vậy, việc tòa án nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết bản án mới thực sự chính xác và hiệu quả”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast