Ở một nơi núi thò chân xuống biển...

Phải mất 80 km đường bộ giữa cái nắng chói chang tháng 6, nhóm phóng viên chúng tôi mới đến được đèo Ngang. Đứng trên đỉnh đèo có thể nhìn rõ những con sóng hiền hòa vào những đường cong của biển ôm ấp chân núi. Thấp thoáng trong những rặng phi lao là Đồn Biên phòng Đèo Ngang (176), xa hơn là Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng áng. Nơi ấy, những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm vững tay súng, sẵn sàng hy sinh vì biển cả, hy sinh cho sự bình yên của Tổ quốc.

Từ thành phố Hà Tĩnh, dọc theo quốc lộ 1A khoảng 70 km về phía Nam là Đèo Ngang, đoạn cuối cùng của dãy núi giáp biển Đông. Những con đường mòn rợp bóng cây xanh. Gió biển lồng lộng thổi khi chúng tôi từ từ bước lên đỉnh đèo. Đèo Ngang vừa là mốc vĩ tuyến 18 vừa là ranh giới hành chính của Hà Tĩnh và Quảng Bình. Từ đây phóng xa tầm mắt về hướng Bắc, một khung cảnh hùng vĩ hiện ra. Một bên là bờ biển xanh thẩm bao la, một bên là rừng núi xanh biếc bạt ngàn. Hít một hơi thật dài, tôi cảm nhận được cả đất trời đang hội tụ trong huyết quản. Nơi đây một thời là tâm điểm hứng bom của máy bay Mỹ, trong kháng chiến, quân và dân Hà Tĩnh đã phải chiến đấu một mất một còn với địch từ hướng biển Đông.

Chiến sỹ ĐBP CK Vũng Áng tuần tra trên cảng biển

Chiến sỹ ĐBP CK Vũng Áng tuần tra trên cảng biển

Vùng đất này, với những địa danh như mũi Dung, mũi Độc, mũi Đao là nơi chứng kiến nhiều sự kiện bi hùng của dân tộc từ thời dựng nước cho đến nay. Khi chiều xuống, sương mây nặng dần trên đỉnh núi mang theo cái se lạnh của đất trời mang đến một cảm xúc nao nao khó tả. Đứng trước một khung cảnh thơ mộng, tâm hồn mỗi người dường như nhẹ nhàng, thanh thản hơn

Đồn Biên phòng 176 nằm trên một khu đất cao nhìn ra phía biển. Khoảng đất rộng ở giữa là sân bóng chuyền và những bồn hoa, chậu cảnh xanh tươi, tạo cho đồn một cảnh quan trẻ trung, đầy sức sống. Trung tá Nguyễn Văn Trân - Đồn trưởng Đồn Biên phòng đèo Ngang cho biết: Đèo Ngang ở trên núi Hoành Sơn được tách ra từ dãy Trường Sơn, cao 256 m dồn đuổi nhau từ Tây sang Đông, chạy dài ra tận biển, trở thành biên giới tự nhiên của hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành ngày xưa và nay là mốc địa giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Kể từ khi vua Quang Trung đã có công thống nhất đất nước, Đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc. Tiếp nối truyền thống ngàn đời của cha ông, những người lính Biên phòng chúng tôi đang làm hết sức mình để bảo vệ vùng biển biên cương của Tổ quốc. Quản lý hơn 30 km bờ biển thuộc 3 xã Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi (Kỳ Anh) nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển mà còn bảo vệ ngư trường cho ngư dân, cứu hộ, cứu nạn cho họ khi cần.”

Chúng tôi đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 176 tiếp đãi ân cần như người thân lâu ngày gặp lại và chia sẻ những thành tích lẫn khó khăn của đơn vị trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển đảo, góp phần cùng chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhìn những khuôn mặt yêu đời của người lính đảo, tôi cảm thấy niềm tin của mình dâng lên, bởi hiểu rằng các anh đã sẵn sàng hy sinh bản thân mình để vững vàng tay súng để bảo vệ vững chắc biên cương, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Rời Đồn biên phòng 176, chúng tôi theo hành trình xuống thăm Đồn biên phòng Cửa khẩu Vũng áng. Thiếu tá Lương Hữu Dương – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CK Vũng áng là một người khá trầm lặng nhưng khi nói về công việc, về nhiệm vụ giữ bình yên cho cửa biển thì anh lại sôi nổi hẳn lên . Anh kể: “Từ ngày hình thành cảng và KKT Vũng áng cho đến nay, vùng này trở thành một khu kinh tế trọng điểm của tỉnh nhưng nhiệm vụ của bộ đội Biên phòng cũng vất vả nặng nề hơn rất nhiều”. Chúng tôi đội nắng ra cảng biển. Cầu cảng số 2, Cảng Vũng áng vừa đưa vào hoạt động đang trong giai đoạn hoàn thiện tập nập tàu thuyền ra vào như vẽ lên tương lai tươi sáng cho mảnh đất một thời nghèo khó này.

Thiếu tá Dương chia sẻ: Cùng với sự đông vui, tấp nập của cảng biển là sự phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Lợi dụng tình hình này, các đối tượng tội phạm về ma túy, mại dâm, cờ bạc hoạt động khá rầm rộ. Nhiều đối tượng từ thành phố Hà Tĩnh, thị trấn Kỳ Anh liều lĩnh vận chuyển ma túy về khu vực cảng Vũng áng để tiêu thụ. Đây là địa bàn có vị thế chiến lược về an ninh - quốc phòng nên việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị cũng như công tác phối hợp với các xã đòi hỏi phải chặt chẽ và thường xuyên. Khi tàu thuyền về đông, lực lượng Bộ đội Biên phòng kết hợp với cảnh sát giao thông đường thủy và các lực lượng chức năng tổ chức các đợt kiểm tra dày hơn, kỹ hơn. Làm việc vất vả không kể ngày đêm, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng áng đã tạo được sự tin tưởng sâu sắc của nhân dân.

và kiểm tra các tàu thuyền ra vào cảng Vũng Áng

và kiểm tra các tàu thuyền ra vào cảng Vũng Áng

Ông Nguyễn Đức Nhân, một người dân ở Kỳ Lợi cho biết: “Có các chú Bộ đội Biên phòng, tình hình an ninh trật tự được cải thiện rất nhiều. Cửa biển yên bình, bà con mới yên tâm ra khơi và giao lưu thương mại tốt được. Mỗi khi gặp bão tố giữa biển mênh mông, chiếc tàu cứu hộ, cứu nạn của Bộ đội Biên phòng xuất hiện kịp thời giúp chúng tôi thêm phần vững dạ.”

Nhận định tình hình trên biển diễn biến hết sức phức tạp, Đồn Biên phòng 176, Đồn CK Vũng áng đã không ngừng tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là những ngư dân thường xuyên đi biển về những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phân định ranh giới về biển… qua đó xác định trách nhiệm, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Với phương châm, “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 176, Đồn CK Vũng áng đang ngày đêm canh gác và miệt mài với những nhiệm vụ của mình. Dù là trên biển hay trên đất liền, các anh vẫn luôn giữ vững tinh thần và niềm tin để góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vì sự yên bình của khu vực vùng biển tỉnh nhà.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast