Sửa đổi, bổ sung luật để phù hợp với thực tiễn xét xử

(Baohatinh.vn) - Chiều 23/1,Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi làm việc với TAND tỉnh để thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê, từ 1/10/2011 đến 30/9/2014, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết 1.590 vụ sơ thẩm, 3.264 bị cáo, trong đó có 497 vụ, 797 bị cáo có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Số vụ án bị cấp phúc thẩm hủy để xét xử lại là 8 vụ, 13 bị cáo.

Sửa đổi, bổ sung luật để phù hợp với thực tiễn xét xử ảnh 1

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng tiếp thu các kiến nghị để báo cáo lên các cấp, ngành liên quan.

TAND tỉnh đình chỉ xét xử phúc thẩm 150 vụ, 235 bị cáo; y án 121 vụ, 191 bị cáo; án cải sửa 168 vụ, 258 bị cáo; hủy án 3 vụ, 6 bị cáo.

Trong 3 năm qua, TAND tỉnh Hà Tĩnh không có bản án, quyết định phúc thẩm nào bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và không có bản án quyết định phúc thẩm bị tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại.

Tại buổi làm việc, ý kiến của các đại biểu xoay quanh vấn đề pháp luật hình sự và tố tụng hình sự hiện nay thể hiện quyền tư pháp của tòa án còn hạn chế. Thực tiễn thi hành quyết định về các trường hợp được trả hồ sơ bổ sung còn nhiều vướng mắc khi có điều tra bổ sung hay không phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan điều tra, VKS. Nhận thức về bản chất, vai trò của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Về giới hạn xét xử, nếu theo quy định tại Điều 196 BLTTHS, tòa án không được xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội mà VKS đã truy tố. Chính vì vậy, HĐXX phải quyết định tội danh theo cáo trạng đã truy tố. Trên thực tế, không ít trường hợp HĐXX kiến nghị tòa án cấp trên giám đốc thẩm, hủy bản án của chính mình để trả hồ sơ điều tra lại và được chấp nhận. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên tắc tranh tụng là tòa án có quyền đưa ra các quyết định về vụ án dựa vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Đại biểu cũng đã thảo luận xung quanh những khó khăn trong việc thực hiện các quy định về kết luận giám định, xác định sự thật của vụ án và các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung BLHS, BLTTHS, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc TAND 2 cấp thực hiện tốt trách nhiệm, nhiệm vụ, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng oan sai. Về ý kiến kiến nghị sửa đổi, bổ sung các bộ luật, Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh tiếp thu và báo cáo lên các cấp, ngành liên quan.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast