Thông tin thêm về vụ 4 ngư dân Thanh Hóa bị truy sát trên biển Lộc Hà

Vụ việc các ngư dân Thanh Hóa bị tấn công trên biển Lộc Hà mới đây đã nhận được nhiều sự chia sẻ từ bạn đọc. Tuy nhiên, ít người biết trong những năm gần đây, mỗi năm ngư dân địa phương đánh cá gần bờ đã bị các tàu lớn thuộc các tỉnh khác “ăn” mất hàng ngàn mét lưới, đẩy nhiều gia đình trở thành tay trắng. Liệu đây có phải là nguyên nhân dẫn đến vụ việc nêu trên?

>> Một nhóm ngư dân bị tấn công trên biển, nhiều người bị thương

Trưa ngày 10/7, sau khi được mổ cấp cứu, lấy đạn ra khỏi người, ngư dân Lê Công Trinh (55 tuổi, Thuyền trưởng tàu TH1922) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Ông kể: Khoảng 0h ngày 9/7, tàu của ông (gồm 4 thuyền viên) cùng nhiều tàu thuyền khác ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Lộc Hà (cách bờ khoảng 1 hải lý) thì phát hiện thấy chiếc thuyền thúng chở theo 5 người tiến đến gần tàu.

Ông Lê Công Trinh đang kể lại giây phút kinh hoàng khi bị tấn công trên biển đêm
Ông Lê Công Trinh đang kể lại giây phút kinh hoàng khi bị tấn công trên biển đêm

Nghĩ đó là những người đi thu mua hải sản nên ông Trinh và đồng nghiệp không để ý. Thế nhưng, ngay khi áp sát thì bất ngờ những người này ném đá xối xả vào tàu, rồi sau đó là những loạt đạn liên tiếp bắn vào những người đang kéo lưới.

Hoảng hốt, các thuyền viên bỏ chạy vào khoang, riêng ông Trinh đang điều khiển tàu, không thể bỏ lái nên nai lưng chịu trận. “Tôi thấy trên thuyền thúng có 2-3 đối tượng liên tục ném đá, còn lại 2 người cầm súng (loại súng săn) liên tục nạp đạn và bắn trực diện về phía chúng tôi. Kết quả, tôi bị 2 viên đạt bắn sạt hai bên khuỷu tay, 1 viên ăn sâu vào tay và một viên dính sâu vào phần lưng dưới", ông Trinh kể tiếp.

Sau khi tấn công tàu ông Trinh, các đối tượng quay sang tấn công tàu anh Lê Văn Chiến. Vụ tấn công bằng đá và súng của những kẻ lạ mặt lại tiếp diễn. Trong số những nạn nhân trên tàu này, anh Lê Văn Chiến may mắn chỉ bị đạn xượt qua hông; ngư dân Lê Đình Đào bị đạn bắn gãy hai răng cửa; nặng nhất là anh Lê Văn Dũng (tên khác Lê Văn Hùng, em trai Chiến) bị đạn xuyên qua mắt, phải đưa ra Hà Nội cấp cứu trong đêm.

Ngay khi xảy ra sự việc trên, Đồn Biên phòng Cửa Sót đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn đã điều tra, làm rõ. Đại úy Võ Tá Nguyên - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết, thời gian gần đây, các tàu cá công suất lớn của ngư dân: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi… đánh bắt theo hình thức lưới dạ liên tục vào đánh cá phi pháp gần bờ, suốt dọc bờ biển của nhiều xã biển ngang Hà Tĩnh (loại tàu này thường có công suất từ hàng trăm CV trở lên).

Một tấm lưới của ngư dân biển ngang Hà Tĩnh bị tàu lưới dạ phá nát
Một tấm lưới của ngư dân biển ngang Hà Tĩnh bị tàu lưới dạ phá nát

Theo thống kê của địa phương, thời gian qua, riêng ngư dân 3 xã: Thạch Văn, Thạch Hải, Thạch Trị đã bị tàu dạ “ăn” mất khoảng 9.000 m lưới, làm hỏng trên 1.000 m, trị giá hàng tỷ đồng. Đặc biệt, thuyền viên nhiều tàu dạ rất manh động và coi thường pháp luật.

Cách đây chừng mươi ngày, khi lực lượng Biên phòng Cửa Sót tuần tra phát hiện hai tàu lưới dạ của ngư dân Quảng Ngãi đang đánh cá ở vùng gần bờ thuộc vùng biển Thạch Hà bị yêu cầu dừng tàu để kiểm tra giấy tờ, nhưng tàu này đã hung hãn lao về phía tàu tuần tra và cắt lưới tẩu thoát.

Đội tàu của các ngư dân Thanh Hóa bị nạn được giữ lại phục vụ công tác điều tra
Đội tàu của các ngư dân Thanh Hóa bị nạn được giữ lại phục vụ công tác điều tra

Trước thực trạng thường xuyên bị tàu lưới dạ "ăn hiếp", ngư dân trong vùng đã nhiều lần có đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Việc một số người lạ mặt bắn ngư dân Thanh Hóa vừa qua rồi sẽ được làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật. Còn việc, các đội tàu lưới dạ của ngư dân: Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa… liên tục vi phạm vùng đánh cá, thường xuyên đánh vào vùng lộng, làm ảnh hưởng môi trường, nguồn lợi thủy sản và nghiêm trọng hơn là “cuỗm” ngư lưới cụ của người dân đánh cá vùng lộng như thời gian qua rất cần được các cơ quan chức năng ngăn chặn hiệu quả để thực hiện đúng pháp luật cũng như bảo vệ tư liệu sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân biển ngang vốn đã rất nghèo khó…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast