Vi phạm trong kinh doanh gas: Doanh nghiệp bức xúc, người dân bất an!

(Baohatinh.vn) - Những ngày đầu năm 2015, một doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas đến từ Thanh Hóa đã sử dụng chiêu thức hạ giá thành, chiếm dụng vỏ bình gas của các DN khác để tranh giành thị phần, khiến nhiều DN kinh doanh gas uy tín trên thị trường rất bức xúc.

"Nóng" chiếm dụng bình gas

Câu chuyện chiếm dụng bình gas một lần nữa lại nóng lên khi ngày 27/1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Chi cục QLTT phát hiện xe ô tô tải BKS 38H-6910 do ông Trần Quang Triều - nhân viên Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh chở 68 bình gas đang nhập vào kho của công ty. Tại đây, đội phát hiện 24/68 bình gas khác thương hiệu và Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh không được phép kinh doanh gồm: Đài Hải, Petrovietnam, Petrogas. Theo Đội trưởng Đội QLTT số 1 Nguyễn Đình Khoa: “Hành vi vi phạm này bị áp dụng khung xử phạt từ 20-40 triệu đồng (điểm D, khoản 2, Điều 53 Nghị định 97/2013 NĐ/CP”.

Vi phạm trong kinh doanh gas: Doanh nghiệp bức xúc, người dân bất an! ảnh 1

Đội QLTT số 1 tiến hành lập biên bản và xử phạt cửa hàng gas Minh Long (thôn 2, Bình Lộc, Lộc Hà) do không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh

Trước đó, ngày 5/1, trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 5 Hương Sơn phát hiện xe ô tô BKS 29C-39047 của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa có đại lý tại phường Quang Trung, thành phố Vinh do Nguyễn Văn Hòa điều khiển chở 82 bình gas loại 12 kg đang tiến hành giao cho cửa hàng gas Kiên Hoa ở khu vực chợ Rạp (Sơn Trung, Hương Sơn). Do lái xe không xuất trình được hợp đồng với cửa hàng nên bị xử phạt số tiền 20 triệu đồng. Điều đáng nói, tháng 8/2014, Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa từng “dính chàm” khi bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 50 triệu đồng, đồng thời, tịch thu 480 vỏ bình gas về hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas.

Theo số liệu của Chi cục QLTT, năm 2014, lực lượng QLTT đã xử lý 19 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh gas và xử phạt số tiền 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2015, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này có xu hướng tăng nhanh.

Doanh nghiệp bức xúc, người dân bất an

Trong đơn kiến nghị gửi các ngành chức năng, Hiệp hội Gas Hà Tĩnh bức xúc trình bày: “Bằng cách hạ giá thành đến các cửa hàng bán lẻ chỉ còn 145.000 -165.000 đồng/bình 12 kg, trong khi giá nhập của tổng đại lý phân phối là 190.000 đồng/bình 12 kg, Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa đã dễ dàng xâm nhập thị trường. Ngoài ra, công ty này còn ngang nhiên thu hồi, chiếm dụng vỏ bình trái phép các thương hiệu gas do Hiệp hội Gas Hà Tĩnh đang phân phối như: Petrovietnam gas, Hascom petro, Petronas, Sai gon Petro, Đài Hải gas khiến các DN trên địa bàn tỉnh hết sức bức xúc. Không chỉ vậy, công ty này còn mang sản phẩm của mình vào bán tại một số cửa hàng nhỏ lẻ, không đảm bảo các quy định về công tác an toàn phòng chống cháy nổ, gây ẩn họa khó lường”. Vậy Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa hạ giá thành, chiếm dụng vỏ bình gas trái phép nhằm mục đích gì?

Theo Hiệp hội Gas Hà Tĩnh: “Hạ giá thành để các cửa hàng bán lẻ tiếp nhận sản phẩm và đưa đến cho người tiêu dùng hưởng chênh lệch lớn. Chiếm dụng vỏ bình của các thương hiệu khác trái phép, cắm vỏ bình của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa vào thị trường để chiếm lĩnh thị phần. Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa chấp nhận thua lỗ thời gian đầu, khi đã chiếm được thị phần thì họ sẽ ổn định lại giá; còn chúng tôi thiệt đơn, thiệt kép”.

“Giành giật thị phần bằng những “chiêu” như thế này là không mới nhưng vẫn được Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa áp dụng bởi chen chân vào thị trường kinh doanh gas tại địa bàn Hà Tĩnh - một địa bàn lâu nay hoạt động ổn định và được sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng là rất khó”, ông Bùi Phong An, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng nhấn mạnh.

Còn Trung tá Hoàng Văn Long - Phó phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC66) tỏ ra nghi ngờ: “Giá thành hạ có thể là đã bị thêm hoặc bớt các thành phần. Muốn vậy, phải cắt bình gas rồi hàn thủ công. Tuy nhiên, nếu có thêm bớt thì cũng vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng như QLTT và Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng vì không có thiết bị kiểm tra”.

Bởi vậy, các ngành chức năng, bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý, cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast