Lễ cúng ông Công, ông Táo và những lưu ý tuyệt đối phải nhớ

Theo chuyên gia phong thủy, ngày 23 tháng Chạp là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn của gia đình trong năm đó, vì thế mọi người cần hiểu đúng ý nghĩa của tập tục này để có những ứng xử văn hóa, tâm linh phù hợp.

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo phong tục của người Việt là ngày cúng ông Công, công Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày cúng ông Công, ông Táo chính là ngày vua bếp lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm đó.

Đây còn là tục lệ bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén gia đình.

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia phong thủy Hoàng Công cho hay, tục cúng ông Công, ông Táo cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn hướng con người tới những điều thiện, tốt đẹp trong cuộc sống. Mọi người cần hiểu đúng ý nghĩa của tập tục này để vừa có cách ứng xử phù hợp với những giá trị văn hóa truyền thống, vừa thể hiện ý nghĩa tâm linh và giáo dục các thành viên có trách nhiệm chăm lo, vun vén hạnh phúc gia đình.

le cung ong cong ong tao va nhung luu y tuyet doi phai nho

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần cầu kỳ song phải thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng đối với các vị thần cai quản đất đai và thần cai quản nhà bếp. Ảnh minh họa

Thời điểm đẹp nhất để cúng ông Công, ông Táo là vào giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện gia đình, mọi người cũng có thể làm lễ cúng vào trưa và chiều ngày 22 hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp.

Về nơi cúng, chuyên gia phong thủy Hoàng Công cho biết, các gia đình có thể thực hiện ở bàn thờ gia tiên hoặc tại bếp của các gia đình chung cư.

"Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ song phải thể hiện được sự trang trọng, chu đáo và tấm lòng đối với các vị thần cai quản đất đai và thần cai quản nhà bếp. Trong đó, các gia đình có thể làm cỗ chay hoặc cúng lễ mặn. Lễ vật chuẩn bị gồm: cá chép, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc (một khổ hoặc chân giò), mâm ngũ quả, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà và trái cây… Ngoài ra cần chuẩn bị thêm sớ hoặc có thể in văn khấn để đốt cùng tiền vàng. Đối với quần áo mua cúng các vị thần cần chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó lưu ý là đồ dành cho 2 vị thần nam 1 vị thần nữ.

le cung ong cong ong tao va nhung luu y tuyet doi phai nho

Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời cũng là lúc tạm biệt cũ với bao buồn vui, được mất, là thời khắc cầu nguyện những điều tốt lành cho năm tới. Ảnh: Hà Trang

Trước khi tiến hành làm lễ cúng cần dọn dẹp ban thờ sạch sẽ. Trong đó, có thể dùng tinh dầu hòa nước lau bàn thờ và đồ thờ.

Theo quan niệm sau khi tiễn Táo quân, trong nhà vắng bóng thần linh, các gia đình có thể tháo bàn thờ lau rửa trước ngày 30 Tết và có thể hóa bớt chân hương. Đồng thời trong những ngày này không nên thắp hương thờ cúng để tránh việc “vong linh cô hồn” vào nhà.

Tham khảo bài văn khấn được chuyên gia phong thủy Hoàng Công khảo cứu:

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Ngài đông trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Tín chủ (chúng) con là: ……………

Ngụ tại:…………

Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.

Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.

Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.

Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai giá, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.

Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast