Năm Dậu, cà kê chuyện gà trong đời sống người Việt

Gà là một trong những loài vật đầu tiên được con người thuần dưỡng từ rất sớm và trở thành giống gia cầm phổ biến được nuôi để phục vụ nhu cầu lấy trứng và thịt. Với người Việt, con gà cũng gắn bó từ lâu, trở thành một hình ảnh quen thuộc trong rất nhiều khía cạnh của đời sống.

nam dau ca ke chuyen ga trong doi song nguoi viet

Theo một số tài liệu, con gà đã được loài người nuôi từ 5.000 năm trước. Từ thuở hồng hoang đến nay, bộ gà có khoảng 300 loại, chia làm hai nhánh: Gà hoang và gà nhà. Ngoài được nuôi để lấy trứng và thịt, dần dần gà còn được nuôi để tiêu khiển, mua vui như gà chọi hay làm cảnh, gáy báo giờ…

Gà xuất xứ từ Việt Nam được xem là có năng suất thịt và trứng cao nhất thế giới. Hiện có 11 giống gà cực hiếm của Việt Nam đang được bảo vệ và duy trì giống là: Tè, H’mông, Mía, Ác, Ri, Hồ, Chọi, Tàu vàng, Tre, Đông Cảo (hay Đông Tảo) và Móng… Gà Tè ở Yên Bái nổi danh “ăn ít, đẻ nhiều” với đặc điểm đầu mập mạp, chân to, đuôi ngắn. Gà Đông Cảo của tỉnh Hưng Yên bự con, vóc dáng bặm trợn, thịt rất ngon, với đặc điểm nổi bật là cặp chân to, gân guốc, mạnh mẽ. Đặc biệt, giống gà Hồ ở tỉnh Bắc Ninh, được xem là giống quý hiếm, có mặt ở nước ta trên 500 năm. Gà mái nặng từ 3-4 kg, gà trống thậm chí còn đạt trọng lượng 8-9 kg. Vì thế, gà Hồ xuất hiện nhiều trong tranh dân gian Đông Hồ, cả đơn lẻ lẫn dưới hình thức gà đàn.

nam dau ca ke chuyen ga trong doi song nguoi viet

Hình tượng gà trống trong tranh dân gian Kim Hoàng

Trong đời sống của người dân Việt Nam, con gà có một vị trí quan trọng. Từ lâu, gà đã được sử dụng như một cống phẩm, một sản phẩm biếu tặng trong các dịp lễ trọng mà ví dụ điển hình là món đồ dẫn cưới “gà chín cựa” trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh. Trong hoạt động tín ngưỡng, gà luôn nằm trong số các vật phẩm dâng lên thần thánh, tổ tiên... Hình ảnh “mâm xôi con gà” đã trở nên quá quen thuộc và gần như trở thành một công thức chuẩn về vật phẩm sử dụng trong các nghi thức cúng tế. Đáng chú ý, trong mâm lễ vật cúng giao thừa, bao giờ cũng phải có một con gà trống bởi dân gian quan niệm đêm giao thừa (trừ tịch) là khi trời đất tối tăm nhất, lúc mặt trời ẩn mình sâu nhất nên nhà nhà cúng gà trống với hy vọng gà sẽ đánh thức mặt trời chiếu sáng cho cả năm đủ đầy ánh nắng.

Ở nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, gà còn được sử dụng trong nghi thức bói toán. Một trong những phương pháp bói cổ xưa là bói chân gà, xem chân gà đoán việc tốt-xấu, đến nay vẫn thịnh hành trong đời sống nhiều cộng đồng dân cư. Văn bản cổ nhất của nền văn minh Đông phương nói đến bói toán - Cửu trù hồng phạm – có nhắc đến hình ảnh con gà trong trù thứ 7 với tên gọi Kê Nghi (hỏi gà).

nam dau ca ke chuyen ga trong doi song nguoi viet

Bộ ván in 12 con giáp của làng Sình (Huế), có hình tượng Gà trống

Hình ảnh gà còn xuất hiện trong nhiều truyền thuyết, truyện dân gian quen thuộc của người Việt như một lực lượng tham gia chống lại cường quyền (Cóc kiện trời, Cường Bạo đại vương đánh thần sét) hay con vật báo tin tốt lành (Sọ Dừa). Con gà và các bộ phận của gà hiện diện rất nhiều trong kho tàng ca dao, tục ngữ và phong dao, phản ánh nhiều sắc thái tình cảm phong phú, đa dạng của người dân chân chất, mộc mạc: “Vó ngựa, cựa gà”, “Đầu gà hơn đuôi phụng”, “Con gà tốt mã vì lông, Răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men”, “Chó liền da, gà liền xương”, “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”, “Gà đen chân trắng mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì mua chi giống ấy?”, “Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm”, “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”…

Đất võ Tây Sơn, Bình Định nổi danh với bài Hùng kê quyền (bài quyền gà trống), một trong những bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Tương truyền Hùng kê quyền do Đông Định vương Nguyễn Lữ (1754-1787), một trong Tây Sơn tam kiệt, sáng tạo qua quan sát các thế đá của gà chọi. Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà và các ngón còn lại co vào như cựa gà, kết hợp với bộ pháp linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển để tấn công vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu... nên tính sát thương cực cao. Lời thiệu bài quyền này (nguyên tác chữ Hán, bản dịch thơ của Việt Hà) thể hiện rất rõ nguyên lý này:

Hai gà đối chọi quyết tranh hùng

Đôi chân cùng bay móng hất tung

Trấn ải, thương vàng như cọp trắng

Giữ quan, kiếm bạc tựa thanh long

Tên độc lút hầu ngầm nơi mỏ

Ngoái đầu đâm ngực địch đến cùng

Chạy, nhảy, luồn, hụp xoay tứ phía

Mềm, cứng, yếu, mạnh ngầm ở trong.

nam dau ca ke chuyen ga trong doi song nguoi viet

Tượng gà đắp nổi ở trụ cổng Hưng Miếu, Đại nội Huế

Trong nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, hình tượng con gà đã sớm được khắc họa qua tác phẩm điêu khắc bằng đồng thời Đông Sơn tìm thấy ở di chỉ Vinh Quang (xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) với hình dáng gà cách điệu đến mức tối giản nhưng vẫn nhận ra là con vật quen thuộc qua những nét tạo hình của đầu, mào, đuôi mang tính nghệ thuật cao. Thời Nguyễn, hình tượng con gà còn được sử dụng trong nghệ thuật trang trí cung đình. Con gà khắc đúc trên Chương đỉnh, một trong cửu đỉnh đặt tại Thế Miếu, là hình tượng linh cầm rất khỏe khoắn, đầy khí dũng, mang ý nghĩa đại cát, bình an. Dải gờ mái điện Ngưng Hy có trang trí hình tượng gà trống-mái khỏe khoắn, sống động, màu men nâu bóng. Tương tự, cổng Hưng Miếu cũng có tượng gà trống đắp nổi, tô màu rất sinh động.

Đặc biệt, trong tranh dân gian Việt Nam với các dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội), Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh) và làng Sình (Huế) đều có hình tượng con gà, với rất nhiều ý nghĩa và biểu hiện, tùy vùng miền và sở thích của người dân, cũng như đặc điểm của mỗi loài gà.

nam dau ca ke chuyen ga trong doi song nguoi viet

Gà đàn trong tranh dân gian Đông Hồ

Nổi tiếng nhất là tranh Đông Hồ, với các bức tranh “Gà mẹ, gà con”, “Trống mái” với hình tượng gà trống mái và đàn gà con tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, con cái đầy đàn và quây quần bên nhau sum vầy. Các bức “Đại cát”, “Tam dương khai thái” lại khắc họa hình ảnh gà trống khỏe mạnh với đường nét đầy đặn, chắc nịch, tư thế dũng mãnh, hiên ngang, biểu tượng cho năm đức tính (ngũ đức) cao quý của người quân tử qua sự nhân cách hóa rõ nét: Văn (chiếc mào đỏ tượng trưng cho quan tước), Tín (gà gáy đúng giờ), Nhân (gà trống luôn gọi bầy đàn đến ăn khi có mồi), Vũ (gà trống có cựa sắc nhọn, như là binh khí) và Dũng (gà trống sẵn sàng chiến đấu xả thân bảo vệ bầy đàn).

Trong tranh Hàng Trống, gà xuất hiện bên những khóm hoa mẫu đơn biểu hiện cho những mong muốn cuộc sống an lạc, thanh tịnh cũng như thể hiện khí chất của người quân tử trong sự hòa hợp với tự nhiên.

Ở Huế tranh dân gian làng Sình có hình ảnh con gà trong bộ tranh 12 con giáp, tạo hình mộc mạc, đơn giản nhưng rất sinh động.

nam dau ca ke chuyen ga trong doi song nguoi viet

Gà vảy cá, một giống gà cảnh đang được ưa chuộng.

Ngày nay, cuộc sống đã phát triển nhiều nhưng con gà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Gà không chỉ được sử dụng làm lễ vật, trong lễ hội, tiệc tùng, nghệ thuật hay thú vui chọi gà mà còn được nuôi như một loại sinh vật cảnh rất có giá trị, với nhiều giống lạ và đẹp như gà lôi, gà Quý phi, gà vảy cá, gà lông xù, gà đen Lamborghini, gà Serama… Gà vẫn là giống vật quen thuộc, bình dị, gần gũi với người dân. Dù cuộc sống xô bồ, bộn bề đến đâu nhưng bất chợt nghe tiếng gà gáy hay tiếng gà cục tác, trong mỗi người đều thấy gợi lên những hình ảnh thân thuộc của quê hương. Và trong mỗi dịp lễ quan trọng của mỗi gia đình, tất yếu không thể thiếu con gà trống mang ý nghĩa “đại cát”, nơi để gửi gắm những mong ước, khát khao về những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.

Theo VGP News

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast