Do đâu nguồn thu thuế xuất nhập khẩu Hà Tĩnh đạt thấp?

(Baohatinh.vn) - ¾ chặng đường thu ngân sách đã đi qua, nhưng đến thời điểm 15/9, số thu ngân sách của Hải quan Hà Tĩnh chỉ mới đạt 1.515,67 tỷ đồng, bằng 29,14% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, bằng 35,87% cùng kỳ. Riêng quý III (sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường), số thu giảm 17,71% so với quý II. Do đâu bức tranh thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) ảm đạm đến vậy?

Chiếm hơn 90% số thu ngân sách của Cục Hải quan tỉnh là hoạt động XNK tại Khu kinh tế Vũng Áng. Tuy nhiên, hiện Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng giai đoạn I nên lượng hàng hóa, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu nhập khẩu tạo tài sản cố định giảm mạnh dẫn đến số thu giảm.

do dau nguon thu thue xuat nhap khau ha tinh dat thap

Cảng nước sâu Sơn Dương là nơi có lượng hàng hóa XNK lớn nhất Hà Tĩnh

Thực tế, số lượng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan và nộp thuế tại các đơn vị của Cục Hải quan tỉnh còn ít, quy mô nhỏ (ngoại trừ Công ty Formosa) nên số thu phụ thuộc nhiều vào tình hình SXKD của một số doanh nghiệp, gây khó khăn trong nhiệm vụ thu ngân sách, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng dự toán. Ông Nguyễn Đình Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng cho biết: “Sự cố môi trường biển đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động SXKD và XNK của Công ty Formosa. Nếu như tình hình hiện nay không được cải thiện, những tháng cuối năm, thu ngân sách sẽ vô cùng khó khăn”.

Ngoài nguyên nhân chính từ Formosa, việc giảm thu ngân sách trong hoạt động XNK còn phụ thuộc vào số thu từ mặt hàng xăng dầu. Cuối năm 2014, giá xăng dầu thế giới giảm, giảm sâu vào năm 2015 cho đến 6 tháng đầu năm 2016. Trước sự biến động mạnh về giá cả nên nhiều doanh nghiệp chưa triển khai nhập khẩu mặt hàng này. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tiếp đến là mặt hàng gỗ nhập khẩu, hàng năm, gỗ nhập khẩu từ Lào về đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của Cục Hải quan tỉnh. Tuy nhiên, từ tháng 8/2015, Chính phủ Lào ban hành chính sách cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu chưa qua chế biến nên điều này cũng ảnh hưởng một phần đến số thu ngân sách của Cục Hải quan Hà Tĩnh. Cùng đó, một số mặt hàng khác như: linh kiện điện tử, nhựa đường nhập khẩu… cũng giảm mạnh. Ngoài ra, một số mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% do có xuất xứ hàng hóa từ những nước đã ký hiệp định thương mại hàng hóa như mặt hàng nhôm cuộn, bò thịt nhập từ Úc… dẫn đến giảm thu ngân sách.

do dau nguon thu thue xuat nhap khau ha tinh dat thap

Doanh nghiệp thực hiện mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Vũng Áng.

Trước tình hình thu ngân sách đầy khó khăn, 3 tháng cuối năm, Cục Hải quan Hà Tĩnh xác định tập trung mọi nguồn lực, “dồn sức” để tăng thu. Theo đó, Cục Hải quan sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và triển khai quyết liệt các biện pháp tăng thu ngân sách, chống thất thu thuế qua trị giá tính thuế, qua áp mã, khối lượng hàng hóa; phối hợp liên ngành để ngăn chặn, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại; đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan...

Một trong những giải pháp bền vững được Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh Lương Trường Thọ đề cập là trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục tại các đơn vị thuộc Cục Hải quan nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách.

“Nhằm tạo nguồn thu trước mắt và lâu dài, chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã triển khai, nhất là các dự án có giá trị lớn như: kho xăng dầu tại Vũng Áng, mở rộng cảng Vũng Áng, cảng container Vũng Áng; đồng thời, chủ động thu hút các dự án mới, có trị giá lớn đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn như tập đoàn sản xuất các phần mềm điện tử Samsung (Bắc Ninh)... Bên cạnh đó, Cục Hải quan tỉnh cũng kiến nghị Nhà nước có những chính sách thu hút đặc biệt tạo sức hút cho các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo” – ông Lương Trường Thọ nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast