Gieo chữ trên vùng đất khó (Bài 1): Những người thầy “cắm bản”

(Baohatinh.vn) - Vượt đò giang cách trở, đường rừng hiểm nguy, thậm chí, sống cô lập trên vời vợi núi cao với muôn bề khó khăn, thiếu thốn... đó là điều kiện sống và công tác của những người “gieo chữ” ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng, với lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy, cô đã vượt lên tất cả khó khăn để ngày đêm bám trụ, thực hiện nhiệm vụ trồng người cao cả.

Lên rừng “trồng” người

Con đường heo hút dẫn vào xã Phương Mỹ (Hương Khê) quanh co với nhiều khúc rẽ. Có những đoạn dài hàng chục km chỉ thấy bụi rậm hoang sơ, không có bóng dáng những ngôi nhà. Vậy mà, ngày ngày, thầy, cô giáo ở Trường Tiểu học Phương Mỹ vẫn phải băng qua con đường ấy mới đến được với học sinh (HS) vùng “rốn lũ”. Có những người bỏ lại đằng sau quê hương, bản quán, quyết tâm bám trụ để “gieo chữ” trên vùng rừng xanh, núi đỏ.

Gieo chữ trên vùng đất khó (Bài 1): Những người thầy “cắm bản” ảnh 1

Cầu phao Phương Mỹ rất nguy hiểm đối với thầy, trò Trường Tiểu học Phương Mỹ mỗi lần đến lớp, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Thầy giáo Trần Quốc Toản - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Mỹ, người gần 15 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở những vùng khó khăn, tâm sự: “Ở ngôi trường này, người có nhà gần nhất cũng hơn chục km, người xa nhất gần 50 km. Nếu không có lòng yêu con trẻ và nhiệt huyết với công việc thì có lẽ không mấy người bám trụ được”.

Trước khi gắn bó với ngôi trường khó khăn nhất huyện miền núi Hương Khê, nơi thường xuyên “đón đầu” bão lũ, thầy giáo Trần Quốc Toản đã từng kinh qua những năm tháng gắn bó với HS vùng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế năm 2000, lúc ấy, giáo viên (GV) tiểu học còn thiếu và yếu nên thầy Toản được phân công về dạy ở trường điểm của huyện nhưng thầy lại tình nguyện xin đi những địa bàn khó khăn để mang con chữ đến với những trẻ em nghèo ở Kỳ Phương (Kỳ Anh), La Khê, Hà Linh, Phương Điền (Hương Khê). Ở ngôi trường nào, thầy Toản cũng là GV dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.

Thầy cho biết: “Việc dạy chữ ở vùng sâu, vùng xa luôn gặp khó khăn về điều kiện ăn ở, đi lại. Gần 15 năm ra trường, cuộc sống của tôi chỉ gắn bó với những căn phòng nội trú trong trường học. Nhưng điều khiến tôi luôn trăn trở chính là việc HS bỏ học. Chứng kiến HS ngày ngày đến trường với cái bụng đói, quần áo rách rưới và không có sách vở, tôi không thể kìm lòng”.

Không chỉ trăn trở về công tác dạy học, việc chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên nhà trường còn là nỗi lo thường trực của Hiệu trưởng Trần Quốc Toản. Trường Tiểu học Phương Mỹ có 2 điểm, trong đó, 1 phân hiệu nằm bên kia cầu Phao chợ Hôm. Mùa mưa bão, các thầy, cô bên kia cầu Phao phải xắn quần, tay xách giày, dép để sang sông bám lớp. Có nhiều hôm, thầy cô rơi bì bõm xuống sông. Đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập nên các thầy, cô tự trang bị kỹ năng để bảo vệ mình khỏi lũ dữ.

Một giờ học ở Trường Tiểu học Phương Mỹ

Một giờ học ở Trường Tiểu học Phương Mỹ

Trong chuyến công tác về các trường vùng sâu, vùng xa, nhất là những ngôi trường thường xuyên bị bão lũ hoành hành, chúng tôi cảm nhận được niềm vui chung của các thầy, cô nơi đây. Đó là năm nay chưa có cơn bão nào đi qua, HS vẫn đến trường đều đặn. Có mặt ở Trường THCS Bồng Lĩnh (Vũ Quang) lúc 12h trưa, sân trường vắng tanh, chúng tôi định quay xe ra về thì bắt gặp một người đàn ông chạy xe máy vào sân trường, hóa ra, đó là Hiệu trưởng Phan Văn Hùng.

Thầy Hùng chia sẻ: “Tranh thủ lúc nghỉ trưa, tôi chạy xe xuống phân hiệu 2 của trường để kiểm tra. Vừa mới mưa xong nên đường bùn lầy, khó đi lắm các cô à!”. Nhìn ống quần xắn cao quá đầu gối, bùn đất bắn tung tóe khắp người, chúng tôi hiểu thầy Hùng đã trải qua quãng đường hơn 8 km vất vả như thế nào.

Với những người thầy tận tụy như thầy Hùng, thầy Toản… những lúc nghỉ trưa hay giây phút vui vẻ, quây quần bên gia đình là “quá xa xỉ” khi còn đó những nỗi lo bão lũ đi qua, nỗi trăn trở về đời sống khó khăn của học trò và những cán bộ, GV đang ngày đêm tận tụy hy sinh cho sự nghiệp “gieo chữ” ở vùng “rốn lũ”. Hình ảnh các thầy khiến tôi chợt nhớ đến cái chết của cô Trần Thị Hoa - GV Trường Mầm non Hương Thủy (Hương Khê) trong trận lũ kinh hoàng 2010 khi trên đường đến trường cứu đồ dùng dạy học cho HS. Sự hy sinh, xả thân vì nghĩa của cô giáo Trần Thị Hoa đã tô đậm thêm hình ảnh cao đẹp của những người thầy trong sâu thẳm tâm thức của chúng ta.

Gieo chữ vùng ốc đảo...

Đứng trên cầu Bến Thủy, dõi mắt theo hướng Đông, thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang (Nghi Xuân) hiện ra như một ốc đảo, bao vây bốn bề là bức tường thành sông Lam ào ạt sóng. Để đến được mái trường cùng các em học trò thân yêu trên ốc đảo, các cô giáo Trường Tiểu học Xuân Giang 2 phải thực hiện cuộc hành trình 3 chặng: từ nhà đến bến đò, gửi xe - lên đò qua sông và đi bộ thêm 1 km. Ngày lại ngày, 4 chuyến đò ngang, các cô vẫn đi về trên dòng Lam hiền hòa, xanh mát nhưng cũng luôn đỏ ngầu, cuộn sóng trong mùa mưa bão…

Gieo chữ trên vùng đất khó (Bài 1): Những người thầy “cắm bản” ảnh 3

Lớp học của Trường Tiểu học Xuân Giang (phân hiệu 2).

Trường Tiểu học Xuân Giang 2 có từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Trước đây, trường chỉ là lều tranh, vách đất và 3 gian phòng học cấp 4 tạm bợ, số HS có khi lên đến 180 em. Năm 2002, với 2 chương trình hỗ trợ quyên góp do Bộ Công an và tỉnh phát động, trường được xây dựng lại, gồm 1 nhà 2 tầng với 8 phòng học kiên cố, khang trang, có điện chiếu sáng. Do bị cô lập trên ốc đảo nên người dân thôn Hồng Lam, đặc biệt, những người trẻ bỏ làng đi lập nghiệp ở xứ khác, thành ra dân số ngày một vơi, lớp cũng ngày càng ít HS. Hiện trường có 4 GV và một hiệu phó với 13 HS chia làm 4 lớp học.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Anh - Hiệu phó Trường Tiểu học Xuân Giang tâm sự: “Ở trường tôi, tất cả các cô đều là người bên kia sông, đi dạy phải qua đò, người xa nhất ở TP Vinh, cách đây 20 km. Do HS ít, nguồn kinh phí hoạt động của trường hết sức hạn chế. GV ngày 2 buổi lên lớp, ngoài tiền lương như các GV dạy ở đồng bằng thì không có thêm phụ cấp hay nguồn thu nhập nào. Rất may, tiền đò thì đã có địa phương trả, còn tiền gửi xe bên bến trung bình mỗi tháng hết gần 100 nghìn đồng thì mình trả”.

Chỉ tay vào vết nước ngấn trên tường, cô Hải Anh cho biết thêm: “Do điều kiện nước dâng thường xuyên nên HS phải nghỉ học. Hết mưa lũ, nước rút là trường lại tiến hành dạy bù vào tất cả buổi chiều và thứ bảy để đảm bảo chương trình. Mưa lũ, HS nghỉ học, nhưng GV cũng tự giác lên trường. Thấy các cô sang, phụ huynh lại lội nước cõng con lên lớp”.

Nhìn những lớp học chỉ có 3 HS, chúng tôi không khỏi khâm phục tình yêu nghề, mến trẻ của các cô. Dù đò giang cách trở, phải bì bõm lội trong dòng nước lụt, nguy hiểm rình rập, nhưng những người thầy nơi đây vẫn chuyên cần bám lớp, bám trường.

May mắn hơn các cô giáo ở Trường Tiểu học Xuân Giang 2, từ khi cầu Trung Lĩnh được xây dựng năm 1999, các thầy, cô Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đã thoát khỏi cảnh dạy học vùng “ốc đảo”. Trước đây, vùng này bị cô lập, để đến được với bà con nơi đây, các thầy, cô giáo phải vượt quãng đường xa xôi, trắc trở và qua sông bằng thuyền. Cô giáo Nguyễn Thị Toàn - Hiệu phó Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, người gắn bó với trường từ thuở mái tranh chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in, ngày đầu tiên đến trường trên con đò ngang, thuyền nhỏ, lại chở theo súc vật nên chòng chành rồi bị lật. Tôi may mắn được người dân địa phương cứu. Đêm đầu tiên ở nhà nội trú, nói là nhà nhưng chỉ là căn lều tạm, mái tranh bị tốc hết. Mọi sinh hoạt ăn, ngủ, tắm, giặt đều chung một chỗ. Trong nhà chỉ độc 1 chiếc giường và không có cửa. Hôm sau, bố cô bạn đồng nghiệp cùng phòng (ở Cẩm Bình) vác tranh tre đến lợp và sửa nhà thì chúng tôi mới có chỗ ở. Mấy năm sau, được Phòng GD&ĐT quan tâm cho xây dựng nhà tắm riêng”.

Không chỉ thế, lên lớp, thầy, cô không có ghế ngồi. HS thì bỏ học nên ngày đi dạy, tối lại xách đèn đi từng nhà vận động HS. Bị cô lập như sống trên “ốc đảo”, rất nhiều cô giáo phải đến khi chuyển về trường khác mới lấy được chồng.

Nhờ sự nỗ lực, nhiệt huyết và quyết tâm của những người thầy không ngại khó, ngại khổ, khắp vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, HS đều được đến trường. Và cũng từ sự nỗ lực ấy đã làm nên những “quả ngọt”, góp phần vào sự nghiệp trồng người của địa phương.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast