Người dân Cồn Vạn “mòn mỏi” chờ điện lưới về vùng nuôi trồng thủy sản

(Baohatinh.vn) - Xứ Cồn Vạn của xã Cẩm Lĩnh đã ghi dấu trên bản đồ nuôi trồng thủy sản của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, việc thiếu điện lưới đang gây ra rất nhiều hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ dân nơi đây.

Người dân Cồn Vạn “mòn mỏi” chờ điện lưới về vùng nuôi trồng thủy sản

Xứ Cồn Vạn được xem là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn.

Với tổng diện tích 25 ha, từ lâu xứ Cồn Vạn được xem là vùng có diện tích nuôi trồng thủy hải sản lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nhờ sở hữu vị trí địa lý thuận lợi cho việc nuôi ốc hương, cá chẽm, tôm...

Năm 2001, Công ty CPXD và KDTH Hoàng Thạch được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép sử dụng khu đất tại xã Cẩm Lĩnh để nuôi trồng thủy sản. Sau đó, doanh nghiệp này cho các hộ dân địa phương thuê lại để sản xuất nhưng cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, nhất là thiếu hệ thống điện lưới.

Ông Trần Mạnh Duyên (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) là một trong những hộ nuôi trồng thủy sản lâu đời tại xứ Cồn Vạn. Gia đình ông có gần 5 ha mặt hồ để nuôi ốc hương, tôm, cá... nhưng do hệ thống điện lưới không có, cộng thêm các yếu tố về chất lượng giống, môi trường nuôi... khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên gặp khó.

Người dân Cồn Vạn “mòn mỏi” chờ điện lưới về vùng nuôi trồng thủy sản

Để đảm bảo điện sản xuất, kinh doanh, các hộ dân trong khu nuôi trồng thủy hải sản đã góp gần 700 triệu đồng để kéo 2 đường dây điện từ trạm biến áp tại thôn 4, xã Cẩm Lĩnh về sử dụng

Để đảm bảo điện sản xuất, ông Duyên cùng hơn 20 hộ dân trong khu nuôi trồng thủy sản tự đóng góp gần 700 triệu đồng để kéo 2 đường dây điện dài 500m từ trạm biến áp tại thôn 4, thôn 5 xã Cẩm Lĩnh về sử dụng. Điều này khiến chi phí đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân đội lên cao.

Ông Duyên cho biết: “Hệ thống điện lưới tại khu nuôi trồng thủy sản xứ Cồn Vạn không có khiến việc kinh doanh của nhiều hộ dân chúng tôi rất chật vật. Ngoài 30 triệu bỏ ra ban đầu để kéo điện nơi khác về sản xuất thì với giá điện trung bình từ 4.000 - 4.500 đồng/kW mỗi tháng, chúng tôi phải trả từ 9 - 10 triệu đồng tiền điện, ảnh hưởng lớn tới thu nhập”.

Còn ông Trần Văn Hiển (thôn 4, xã Cẩm Lĩnh) lại bày tỏ: Để nuôi ốc hương, nuôi tôm công nghệ cao thì yếu tố nguồn điện là rất quan trọng vì vừa để ổn định sản xuất vừa giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, hạ tầng đường điện ở đây còn có nhiều điều đáng lo ngại. Nhiều “cột điện” bị đổ gãy do mưa bão được người dân chống tạm bằng cột tre. Đáng nói, nhiều bó dây điện của các hộ nuôi cuộn vào nhau, võng xuống ngang mặt người, rất dễ xảy ra tai nạn. Trong quá trình sản xuất, nếu xảy ra chập cháy thì toàn bộ hệ thống điện sẽ bị tê liệt, rất khó để khắc phục sửa chữa.

Người dân Cồn Vạn “mòn mỏi” chờ điện lưới về vùng nuôi trồng thủy sản

Những “cột điện” tự phát đầy rủi ro của các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại xã Cẩm Lĩnh.

“Ngoài việc tốn quá nhiều chi phí điện hằng tháng thì việc sử dụng điện của nhiều hộ nuôi trồng tại đây còn theo kiểu “mạnh ai nấy làm, nhà ai nấy kéo”, không có sự thống nhất khiến nguy cơ mất an toàn lao động là rất cao” - ông Hiển cho hay.

Hiện các hộ nuôi trồng thủy sản tại xứ Cồn Vạn đang bắt đầu bước vào đợt thả giống ốc hương, tôm, cá... mới. Tuy nhiên, việc điện sản xuất không ổn định, giá thành cao cùng với những nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão đang trở thành nỗi lo của không ít hộ dân nơi đây.

Ông Nguyễn Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết: "Tháng 12/2021, thời hạn sử dụng đất của Công ty CPXD và KDTH Hoàng Thạch sẽ hết hạn, UBND xã sẽ đề xuất các ban, ngành tiến hành đánh giá hiệu quả cũng như việc chấp hành pháp luật về đầu tư của doanh nghiệp này tại khu nuôi trồng thủy sản Cẩm Lĩnh để có định hướng tiếp theo.

Nhằm giúp bà con có cơ sở hạ tầng nuôi trồng đảm bảo, nhất là an toàn về điện trong mùa mưa bão, chúng tôi cũng sẽ lập dự án quy hoạch để xin Nhà nước hỗ trợ về hệ thống điện lưới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư có năng lực để xây dựng khu nuôi trồng thủy sản bài bản, phát huy thế mạnh vốn có của địa phương”.

Người dân Cồn Vạn “mòn mỏi” chờ điện lưới về vùng nuôi trồng thủy sản

Nhiều bó dây điện của các hộ nuôi cuộn vào nhau, võng xuống thấp rất dễ xảy ra tai nạn.

Về việc khu nuôi trồng thủy sản tại xã Cẩm Lĩnh chưa có điện lưới, ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Điện lực Cẩm Xuyên cho biết: Khu nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh chưa được quy hoạch nên người dân đang nuôi trồng theo hướng tự phát. Trước tình hình này, Điện lực Cẩm Xuyên đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về cách sử dụng điện an toàn. Sau khi có quy hoạch cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương quy hoạch hạ tầng điện lưới nhằm đảm bảo cho bà con phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast