Tiết kiệm nước để đảm bảo sản xuất và dân sinh!

Biến đổi khí hậu không còn là khái niệm xa lạ mà đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với ngành sản xuất trồng trọt ở Hà Tĩnh.

Rõ nét nhất chính là hiện tượng nước biển dâng gây nên tình trạng xâm nhập mặn tại các cống ngăn mặn giữ ngọt trên sông La gồm cống Trung Lương và cống Đức Xá – hai cánh cửa lớn dẫn, giữ nước phục vụ cho hàng ngàn héc-ta diện tích gieo trồng thuộc các huyện Can Lộc và Thạch Hà.

Do lượng mưa ít nên mực nước các hồ chứa lớn ở Hà Tĩnh đều ở mức thấp (trong ảnh: Hồ Kẻ Gỗ) - Ảnh: Internet.
Do lượng mưa ít nên mực nước các hồ chứa lớn ở Hà Tĩnh đều ở mức thấp (trong ảnh: Hồ Kẻ Gỗ) - Ảnh: Internet.

Dĩ nhiên, góp phần tạo nên hiện tượng nồng độ mặn cao gấp nhiều lần (cống Trung Lương đạt đỉnh 8,53%o vào ngày 13 – 4) so với mức cho phép tưới (1,28%o) không thể không kể đến sự thiếu hụt nước từ thượng nguồn mà nguyên nhân sâu xa hơn cả chỉ tại trời không mưa, chính xác là lượng mưa đạt quá thấp.

Sự thiếu hụt của lượng mưa từ đầu vụ đông – xuân đến nay còn làm cho mực nước ở các hồ chứa thấp thua nhiều so với cùng kỳ nên hạn hán cục bộ đã dần hiện hữu ở một số địa phương. Bởi thế, chưa bao giờ vấn đề tiết kiệm tối đa nguồn nước lại được các nhà chuyên môn đặt ra cấp thiết như hiện nay!

Nhưng, tiết kiệm thế nào, tiết kiệm làm sao còn là cả quá trình hành động từ các nhà quản lý, doanh nghiệp cho đến những người trực tiếp sản xuất hàng ngày trên đồng ruộng tỉnh nhà.

Xin được bắt đầu từ góc độ của nhà quản lý và doanh nghiệp. Giải pháp tiên quyết trong giai đoạn hiện nay là các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi phải cân đối nguồn nước ở các hồ, đập, khe suối để có kế hoạch lắp đặt máy bơm dã chiến, lập phương án chuyển nước tạo nguồn ở các công trình khác khi cần thiết để bơm chống hạn. Thứ đến, cần tiến hành nạo vét hệ thống công trình, kênh mương đảm bảo mặt cắt thiết kế, nhất là kênh tưới nhằm chuyển tải nguồn nước một cách thông suốt. Cùng đó là tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đóng – mở cống ngăn mặn giữ ngọt để phòng tránh xâm nhập mặn.

Ở góc độ người dân – những người thụ hưởng nguồn nước – không được phép thỏa sức bơm tát tự do, vô lối mà cần thấu hiểu, chia sẻ tình cảnh chung của việc thiếu hụt nguồn thông qua việc đắp bờ giữ nước tại chân ruộng, hoành triệt các trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch, lợi dụng nước mưa, nước hồi quy từ ruộng về để bơm tát dưỡng lúa khi cần thiết.

Vụ đông xuân 2009 – 2010 đang bước vào giai đoạn cuối kỳ. Để đảm bảo nước dưỡng cho thời kỳ lúa trổ bông trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước thì chỉ còn cách phải tiết kiệm. Tiết kiệm không chỉ cho vụ đông xuân này mà còn phải để giành cho vụ hè thu – mùa sắp tới, nhất là khi Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương đã dự báo, hiện tượng Elnino tiếp tục xuất hiện, gây nên tình trạng khô hạn kéo dài trên diện rộng nên nguy cơ thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2010 sẽ còn trầm trọng hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast