Vì sao nguồn vốn huy động của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tiếp tục giảm?

(Baohatinh.vn) - Người dân đẩy mạnh dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, kéo theo nguồn vốn huy động của các ngân hàng ở Hà Tĩnh sụt giảm. Đến cuối tháng 6/2022, nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 86.785 tỷ đồng, giảm 0,73% so với cuối năm 2021.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nhìn chung, tại Hà Tĩnh không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh hay vượt trần.

Vì sao nguồn vốn huy động của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tiếp tục giảm?

Lãi suất huy động vốn được các ngân hàng niêm yết công khai, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh hay vượt trần.

Theo đó, lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9 - 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,3 - 6,6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/6/2022 ước đạt 86.785 tỷ đồng, giảm 0,73% so với cuối năm 2021. Trong đó, nguồn vốn huy động trung, dài hạn chiếm khoảng 13,4% tổng nguồn vốn huy động và nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm khoảng 86,6% tổng nguồn vốn huy động.

Vì sao nguồn vốn huy động của các ngân hàng ở Hà Tĩnh tiếp tục giảm?

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30/6/2022 ước đạt 86.785 tỷ đồng, giảm 0,73% so với cuối năm 2021.

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn sụt giảm là bởi thời điểm này các tổ chức, cá nhân đã đẩy mạnh nguồn tiền đầu tư vào chuỗi sản xuất - kinh doanh trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với đại dịch COVID-19 (thay vì gửi ngân hàng như giai đoạn trước).

Qua đây cũng cho thấy sự phục hồi, tăng trưởng trở lại của nền kinh tế - xã hội sau một thời gian dài chịu tác động xấu của dịch bệnh COVID-19.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast