Chuyện những người "thông ngôn" ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hội nhập kinh tế đã tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài đến Hà Tĩnh đầu tư, hoạt động kinh doanh nên nghề phiên dịch có cơ hội phát triển.

Phiên xét xử Bùi Ngọc Cường và đồng bọn về tội "gây rối trật tự công cộng" diễn ra vào ngày 12/11/2014 kết thúc cũng là lúc chị Trương Thị Hằng - một trong 2 phiên dịch viên tiếng Trung tại phiên tòa thở phào nhẹ nhõm.

Chuyện những người “thông ngôn” ở Hà Tĩnh

Chị Trương Thị Hằng phiên dịch tiếng Trung Quốc tại phiên xử Bùi Ngọc Cường và đồng bọn về tội "gây rối trật tự công cộng" diễn ra vào ngày 12/11/2014

Dù là người có vốn ngoại ngữ khá "chắc" và đã quen với việc tiếp xúc với người ngoại quốc, nhưng lần đầu tiên đảm đương trọng trách phiên dịch tại tòa vẫn khiến chị không khỏi cảm thấy áp lực.

Với vai trò là người thông ngôn, chị Hằng phải truyền đạt thật chính xác ý của Hội đồng xét xử (HĐXX) cho bị hại bởi nếu không diễn đạt đúng, bị hại sẽ nghi ngờ vào chất lượng xét xử. Chưa kể, sức ảnh hưởng của phiên tòa rất lớn, liên quan đến hoạt động kinh tế của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam, khiến trọng trách của phiên dịch viên càng thêm nặng nề.

Tốt nghiệp khoa tiếng Trung, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế), tính đến nay, chị Hằng đã có 6 năm làm phiên dịch viên. Mỗi năm, có từ 7 -8 lần chị đảm nhận vai trò cầu nối ngôn ngữ trong những cuộc đàm phán, làm việc giữa Hà Tĩnh với các đối tác nước ngoài.

Theo chia sẻ của chị Hằng, "khó nhằn" nhất vẫn là khi tiếp cận với các thuật ngữ chuyên sâu về y tế, pháp lý. Chính vì vậy, để góp phần vào sự thành công của mỗi cuộc làm việc đòi hỏi phiên dịch viên phải không ngừng học hỏi, nỗ lực.

"Ngoài việc cập nhật các từ ngữ mới, chúng tôi còn học hỏi thông qua những chuyến đi thực tế. Áp lực nhất vẫn lúc các thủ trưởng đọc thơ hay hát Tiếng Việt để giao lưu với đối tác. Ngoài việc dịch đúng, dịch đủ, chúng tôi phải chuyển tải hết thành ý đến đối tác nước bạn qua lời nói, câu hát theo cách uyển chuyển, sâu sắc nhất", chị tâm sự.

Chuyện những người “thông ngôn” ở Hà Tĩnh

Để góp phần vào sự thành công của mỗi cuộc làm việc đòi hỏi phiên dịch viên phải không ngừng học hỏi, nỗ lực

Là một trong những người có uy tín về công tác biên - phiên dịch tại Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thị Thanh Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch thuật và Dịch vụ đối ngoại Hà Tĩnh đã 20 năm làm cầu nối ngôn ngữ. Nói về nghề phiên dịch, cựu sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện ngoại giao đánh giá đây là công việc vô cùng thú vị nhưng cũng không kém phần áp lực.

"Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu. Do vậy, ngôn ngữ này được rất nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, để nghe và hiểu được Tiếng Anh của các nước bạn là điều không hề dễ dàng, nhất là đối với Tiếng Anh - Ấn Độ hay Tiếng Anh - Nhật Bản. 20 năm trong nghề, tôi từng đối mặt với những lời khen chê nhưng đó cũng là động lực giúp mình không ngừng trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ", chị Phúc cho biết.

Chị Phúc nhớ về lần đồng hành cùng Dự án quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh vào năm 2011 với vai trò phiên dịch. Suốt 1 năm tham gia, chị có thể nắm bắt và hiểu phần nào về tính cách, sở thích của các thành viên phía đối tác. Hay lần tham gia cùng Công ty ME-LE Biogas GmbH (CHLB Đức) tìm hiểu đầu tư về 4 dự án nhà máy điện khí sinh học cũng đã để lại cho chị nhiều ấn tượng khó phai. Đặc biệt, chị đã cùng với cơ quan tố tụng tiến hành việc hỏi cung trong thời gian 4-5 ngày đối với các đối tượng buôn lậu xăng dầu thâm nhập vào lãnh hải Việt Nam bị lực lượng biên phòng bắt giữ.

Chuyện những người “thông ngôn” ở Hà Tĩnh

Cán bộ Trung tâm Dịch thuật và dịch vụ đối ngoại Hà Tĩnh hướng dẫn thủ tục cho người dân đến giao dịch

Theo chia sẻ của các phiên dịch viên dạn dày kinh nghiệm, vất vả nhất vẫn là công tác chuẩn bị trước các buổi làm việc, hội đàm quan trọng của tỉnh. Do chỉ có rất ít thời gian để đọc báo cáo và chuẩn bị tài liệu nên ngoài việc nắm chắc ngôn ngữ, phiên dịch viên còn phải hiểu biết về các chính sách đầu tư.

"Là cầu nối ngôn ngữ cho các nhà đầu tư lớn với Hà Tĩnh, việc diễn đạt nhằm chuyển tải hết ý sao cho phía đối tác ưng ý và tạo lập mối quan hệ ngoại giao là rất khó. Chính vì vậy, người thông ngôn luôn luôn phải trau dồi kỹ năng sống, kiến thức chuyên môn nhằm đảm bảo cho hoạt động hội nhập, hợp tác kinh tế được diễn ra thành công, tốt đẹp", Phó Giám đốc Trung tâm Dịch thuật và dịch vụ đối ngoại Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Phúc, chia sẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast