Trẻ đi học “mùa corona”: Đeo hay không đeo khẩu trang suốt buổi?

Bác sĩ nhi đồng cho rằng việc đeo khẩu trang suốt buổi học không mấy khả thi, đôi khi còn “tác dụng ngược”. Các biện pháp phòng dịch khác như cách ly, rửa tay, tạo môi trường lớp học phù hợp mới là cần thiết nhất.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), việc đeo khẩu trang suốt buổi học là không khả thi với trẻ nhỏ và điều đó không có ý nghĩa lớn trong việc phòng bệnh, mà là các biện pháp chủ động khác.

“Thật sự là đeo khẩu trang liên tục nhiều giờ rất khó chịu, ngay cả đối với người lớn. Trẻ nhỏ lại có một đặc điểm là sẽ bị chảy nước miếng nhiều hơn người lớn, vì vậy khẩu trang sẽ mau bị ướt. Khẩu trang ướt thì phải thay ngay, nếu không thay thì tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập. Đeo khẩu trang sai, khẩu trang bị bẩn… có thể khiến bạn bị bệnh, không mang có khi tốt hơn. Ngoài ra, trẻ có thể vứt khẩu trang lung tung, tạo nguy cơ cho trẻ khác” – ông phân tích.

Trẻ đi học “mùa corona”: Đeo hay không đeo khẩu trang suốt buổi?

Mang khẩu trang không phải là biện pháp ưu tiên trong việc phòng bệnh, mà là cách ly người bệnh, rửa tay và học trong môi trường phù hợp - ảnh minh họa từ Internet

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, những yếu tố chính quyết định việc trẻ được đi học an toàn trong mùa dịch đó là nhà trường cần quản lý tốt sức khỏe học sinh, giữ vệ sinh môi trường tốt và tạo điều kiện cho các em rửa tay thường xuyên.

Đầu tiên là việc quản lý sức khỏe học sinh: nên có người tiến hành đo thân nhiệt các bé trước khi vào trường, nếu học bán trú thì buổi trưa đo lần nữa, em nào sốt hay nhận thấy có ho, sổ mũi thì cách ly tại phòng y tế và yêu cầu phụ huynh đón về, nghỉ học để tự cách ly ở nhà. Phụ huynh cũng nên tự giác, nếu thấy con mình bệnh thì cho bé nghỉ, cung cấp cho nhà trường giấy bác sĩ để trường biết bé bệnh gì.

Các trẻ vừa về từ vùng dịch, ví dụ đi du lịch Trung Quốc, cần được cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Việc trẻ có bệnh phải ở nhà để không lây cho bạn bè là cần thiết trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ mùa dịch mới cần làm. Giáo viên có bệnh cũng phải nghỉ, tự cách ly.

Biện pháp tiếp theo là giữ trường học thông thoáng, sạch sẽ. Sau khi tan học, trường lớp cần được vệ sinh cẩn thận, lau chùi các bề mặt. Ngoài ra, cũng như khuyến cáo chung là môi trường có nóng, ẩm, thông thoáng làm giảm nguy cơ lây lan của virus corona mới, vì vậy nếu được thay vì đóng kín cửa và dùng máy lạnh, hãy mở cửa các lớp học cho thoáng, tốt nhất là có thêm quạt. Nếu kẹt quá vẫn dùng máy lạnh thì tốt nhất khoảng 28-29 độ. Không nên để trẻ ngồi quá sát nhau, nên cách từ 1 m trở lên.

Bên cạnh đó không thể quên chuyện rửa tay. Không cần thiết đi “săn” nước rửa tay khô, mà nhà trường nên trang bị thêm vòi nước và xà bông, thứ tốt hơn trong việc rửa tay phòng bệnh. Đa số trẻ đã được dạy cho cách rửa tay đúng trong các mùa bệnh khác như các đợt tay chân miệng, tuy nhiên cần tập huấn lại cho trẻ nhớ, giáo viên nhắc trẻ thường xuyên.

“Điều cuối cùng là giáo viên và phụ huynh nên nhắc nhở trẻ tránh những hành động như ôm, vật lộn trong giờ ra chơi. Để an toàn hơn, giờ ra chơi trẻ không nên ở lại trong lớp mà phải ra ngoài sân trường thoáng mát, có nắng gió. Nhà trường nên đặt thêm nhiều thùng rác để những trẻ mà cha mẹ lo quá, yêu cầu mang khẩu trang có thể vứt đúng chỗ” – bác sĩ Minh Tiến khuyên.

Trước đó, đầu mùa dịch Covid-19 (bệnh viêm hô hấp cấp do virus corona mới 2019-nCoV gây ra), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành hướng dẫn về khẩu trang, trong đó nêu rõ chưa hề có bằng chứng cho thấy người khỏe mạnh đeo khẩu trang sẽ giúp phòng bệnh. 2 vấn đề quan trọng nhất để bảo vệ bản thân là rửa tay và giữ khoảng cách (trên 1 m) với người bệnh hoặc không rõ có bệnh hay không.

Theo Người lao động

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast