Bí mật thú vị trong những bộ phim kinh điển

Mỗi bộ phim kinh điển trong lịch sử điện ảnh đều ẩn chứa những bí mật thú vị…

Close Encounters of the Third Kind (Kiểu tiếp xúc thứ 3 - 1977)
Close Encounters of the Third Kind (Kiểu tiếp xúc thứ 3 - 1977)

Đạo diễn Steven Speilberg đã được truyền cảm hứng để viết kịch bản và đạo diễn bộ phim này sau một lần xem mưa sao băng với cha từ khi còn bé. Spielberg nhớ lại rằng: “Khi tôi còn là một đứa trẻ 5 tuổi ở New Jersey… Có lần cha tôi đánh thức tôi dậy lúc nửa đêm và chúng tôi hối hả chạy ra xe ô tô trong bộ quần áo ngủ…”.

“Cha mang theo một bình cà phê và những chiếc chăn, ông lái xe khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chúng tôi đậu lại bên vệ đường, nơi có tới vài trăm người khác đang nằm trên chăn, ngửa mặt lên giời ngắm trời đêm. Cha tìm được một chỗ, trải chăn ra, và chúng tôi cùng nằm đó… Cha chỉ lên bầu trời, trên đó đang có một cơn mưa sao băng kỳ diệu” - Spielberg nhớ lại.

Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao)
Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao)

Đạo diễn George Lucas nảy ra ý tưởng về nhân vật Chewbacca - một người bạn tốt bụng, trung thành, cùng nhân vật Han Solo điều khiển phi thuyền Millennium Falcon, sau một lần George Lucas đặt chú chó của gia đình ngồi trên ghế hành khách bên cạnh ông khi lái xe.

ET: The Extra-terrestrial (ET - Sinh vật ngoài hành tinh - 1982)
ET: The Extra-terrestrial (ET - Sinh vật ngoài hành tinh - 1982)

Bộ phim gửi gắm mong ước của đạo diễn Steven Spielberg khi còn nhỏ về một người bạn tưởng tượng - một người bạn sẽ cùng cậu bé Steven vượt qua cú sốc sau khi cha mẹ ly hôn: “ET là một bộ phim đã nằm trong tâm khảm tôi suốt nhiều năm. ET gắn liền với việc cha mẹ tôi ly hôn, về cách tôi đã cảm nhận sự tan vỡ của cha mẹ mình”.

“Tôi phản ứng lại bằng cách chạy trốn vào trí tưởng tượng để đóng sập mọi cảm xúc đau buồn. Khi đó tôi đã ước mơ có một người bạn vừa có thể là anh em của tôi vừa có thể là cha tôi. Đó chính là cách mà ET đã ra đời” - Spielberg nhớ lại. Trong phim, ông đã cố gắng hạn chế sự xuất hiện của người lớn để tô đậm góc nhìn trẻ thơ.

Psycho (Tâm thần hoảng loạn - 1960)
Psycho (Tâm thần hoảng loạn - 1960)

Những người đẹp tóc vàng tinh tế, lạnh lùng như Ingrid Bergman, Tippi Hedren và Grace Kelly là một nét kinh điển trong phong cách làm phim của đạo diễn Alfred Hitchcock. Đã có lần vị đạo diễn giải thích về sự lựa chọn của mình rằng:

“Những cô gái tóc vàng là phù hợp nhất để vào vai nạn nhân. Họ giống như bông tuyết trắng đầu mùa rơi trên dấu chân nhuốm máu… Mọi người luôn hỏi tại sao tôi thích những cô gái tóc vàng diễn xuất trong phim của mình. Đó là bởi những cô gái này vừa hợp để làm những quý bà phòng khách, họ duyên dáng, hấp dẫn, vừa hứa hẹn trở thành những người đàn bà đích thực trong… phòng ngủ.”.

Là một đạo diễn bậc thầy trong dòng phim kinh dị, Hitchcock còn chia sẻ một bí quyết rằng: “Tình dục trên màn bạc phải được tiết chế để tạo ra sự chờ đợi hồi hộp. Nếu tình dục quá phơi bày, hiển hiện, sẽ chẳng còn gì để chờ đợi. Thật tội nghiệp cho Marilyn Monroe khi cứ nhìn thấy cô ấy là người ta nói đến sex. Phim kinh dị cũng vậy. Không có gì đáng sợ khi súng đã bóp cò… Chỉ đáng sợ khi người xem chờ đợi phát súng nổ ra”.

Modern Times (Thời đại tân kỳ - 1936)
Modern Times (Thời đại tân kỳ - 1936)

Charlie Chaplin dự định “Modern Times” sẽ là bộ phim “nói” đầu tiên của ông, nhưng cuối cùng, Chaplin lại trở về làm phim câm vì sợ rằng sự hấp dẫn của nhân vật “The Tramp” sẽ bị mất đi một khi nhân vật này phá vỡ sự im lặng và cất lên tiếng nói. Tuy vậy, giọng nói của nhân vật “The Tramp” có thể được nghe thấy lần đầu tiên chính trong bộ phim này khi anh ta hát lắp bắp một vài câu.

Mulholland Drive (Đường Mulholland - 2001)
Mulholland Drive (Đường Mulholland - 2001)

Bộ phim mang màu sắc siêu thực, khiến người xem “hoang mang” khi xem xong bởi họ chẳng hiểu vừa xem gì, nên lý giải, kết nối các tình tiết phim như thế nào cho có ý nghĩa. Nhưng bộ phim càng “vô nghĩa”, người ta lại càng không thể rời mắt khỏi màn hình. Chẳng tình tiết nào thực sự đưa tới một điều gì, người xem, các nhà phê bình “tuyệt vọng” trong việc lý giải nội dung phim.

Chẳng thể lý giải được gì, bản thân đạo diễn David Lynch cũng từ chối nói thêm về phim: “Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ bắt nghệ thuật phải có ý nghĩa, phải nói lên điều gì đó, trong khi chúng ta đã chấp nhận với nhau rằng cuộc sống này đôi khi chẳng có ý nghĩa gì”. Tuy vậy, David Lynch đã nhận được đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim này.

Casablanca (1942)
Casablanca (1942)

Những diễn viên vào vai những người sống lưu vong ở thành phố Casablanca, Morocco, thực tế đều là những diễn viên Châu Âu đang sống lưu vong ở Mỹ để chạy trốn khỏi một Châu Âu đang chìm trong chiến sự.

Họ là những diễn viên tài giỏi nhưng đều đang chịu cảnh sống phiêu bạt, chấp nhận những vai diễn nhỏ trong “Casablanca”. Trong từng cử chỉ diễn xuất của những diễn viên phụ ấy đều thấm đẫm nỗi buồn. Chỉ có 3 diễn viên trong phim là được sinh ra ở Mỹ.

Raiders of the Lost Ark (Chiếc rương thánh tích - 1981)
Raiders of the Lost Ark (Chiếc rương thánh tích - 1981)

George Lucas vốn đã có ý tưởng về nhân vật Indiana Jones từ năm 1973. Tuy vậy, ông đã gác ý tưởng này lại để tập trung làm phim “Star Wars” (1977). Sau khi hoàn thành bộ phim, George Lucas tới nghỉ ở Hawaii với Steven Spielberg, chủ yếu vì Spielberg muốn tiếp cận nhà sản xuất phim Cubby Broccoli lần thứ hai, để thuyết phục ông này trao cơ hội làm đạo diễn phim James Bond cho Spielberg.

Tuy vậy, chính trong kỳ nghỉ này, Spielberg đã được nghe Lucas kể về nhân vật Indiana Jones. Họ đã cùng nhau bàn bạc say sưa khi nằm trên bãi biển, về những pha hành động, về việc Indiana sẽ luôn đội mũ trên đầu mọi lúc mọi nơi. Sau đó, Steven Speilberg quyết định sẽ làm đạo diễn loạt phim về Indiana Jones cho công ty điện ảnh của George Lucas.

Bí mật thú vị trong những bộ phim kinh điển ảnh 9
The Godfather (Bố già - 1972)

Khi đạo diễn Francis Ford Coppola bắt tay vào thực hiện bộ phim “Bố già”, đã có 12 đạo diễn phải ra đi. Thời gian làm phim này là một trong những trải nghiệm “ác mộng” nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Coppola.

Ngay tuần đầu bấm máy, Coppola đã suýt bị đuổi vì nam diễn viên Pacino bị thương, khiến việc quay phim bị hoãn. Hãng phim đổ lỗi cho Coppola rằng ông đã không thể thực hiện đúng tiến độ, lại còn luôn đòi hỏi kinh phí không cần thiết… Tuy vậy, nam diễn viên Brando đã nói thẳng với hãng phim rằng nếu họ đuổi Coppola, ông sẽ bỏ vai.

Dù vậy, hãng phim vẫn luôn nhăm nhe thay thế Coppola vì họ không ưng dàn diễn viên, không thích cách làm phim của Coppola. Vị đạo diễn đã luôn phải làm việc bên bờ vực của nguy cơ bị đuổi.

Khi đó, Coppola đã có hai con và chuẩn bị có thêm con, họ sống khá chật vật và Coppola rất sợ bị đuổi. Khi bộ phim đóng máy, Coppola vẫn cảm thấy vô cùng lo lắng, tự hỏi sau phim này, liệu ông có còn được người ta mời làm đạo diễn phim nào nữa không.

Citizen Kane (Công dân Kane - 1941)

“Citizen Kane” là bộ phim đầu tay của đạo diễn Orson Welles. Trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim này, Orson Welles đã nghiên cứu rất kỹ phim “Stagecoach” (Chuyến xe bão táp - 1939) của đạo diễn John Ford. Orson Welles xem “Stagecoach” đến 40 lần.

Ngày đầu tiên Orson Welles bước đến một phim trường (chính là phim “Citizen Kane”) cũng là ngày đầu tiên ông thử làm đạo diễn. Tất cả những gì mà Orson Welles hiểu về điện ảnh, về nghề đạo diễn, đều được ông học từ bộ phim “Stagecoach”.

Trong suốt một tháng, cứ ăn tối xong là Welles lại ngồi xem “Stagecoach” và tự đặt ra những câu hỏi: “Làm thế nào để thực hiện cảnh này? Tại sao phải thực hiện cảnh này?...”. Đó chính là cách Orson Welles tự học làm đạo diễn để thực hiện bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại.

Taxi Driver (Tài xế taxi - 1976)

Biên kịch Paul Schrader đã viết nên kịch bản của một trong những phim hay nhất mọi thời đại trong tình trạng tâm hồn “rỉ máu”. Tất cả những khốn cùng khi đó đã được dồn cả vào kịch bản: “Khi đó, tôi đang bị ám ảnh bởi súng đạn, có ý định tự sát, suốt ngày uống rượu, xem phim khiêu dâm… Đó là cách một con người cô đơn cùng cực duy trì cuộc sống. Tất cả những điều đó đều được thể hiện trong kịch bản phim”.

Thêm vào đó, câu thoại đã trở thành kinh điển trong lịch sử điện ảnh: “Mày đang nói với tao đấy à?”, thực ra không hề có trong kịch bản. Schrader chỉ viết chung chung rằng: “Nhân vật Travis tự nói với mình trong gương”. Nam diễn viên Robert De Niro đã hỏi biên kịch Schrader rằng trong hoàn cảnh đó, liệu nhân vật Travis sẽ nói gì.

Schrader đáp rằng Travis là một đứa trẻ to xác chơi đùa với súng và muốn tỏ ra mình dạn dĩ. Vậy là câu thoại: “Mày đang nói với tao đấy à?” được nam diễn viên tài danh Robert De Niro đưa vào lời thoại. Đây được xem là một trong những câu thoại chân thực, kinh điển nhất trên màn ảnh, tóm gọn được những ẩn ức tâm lý của nhân vật tài xế taxi Travis.

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast