Nhà thờ, lăng mộ Phan Đình Tá nhận bằng di tích lịch sử văn hóa

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (17/5), UBND thị trấn Nghèn (Can Lộc) cùng con cháu dòng họ Phan Đình, Trảo Nha tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ và lăng mộ Phan Đình Tá. Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng và lãnh đạo huyện Can Lộc cùng dự buổi lễ.

Theo cuốn gia phổ được viết năm Tự Đức nhị thập, tam niên (1869), tục biên năm Duy Tân lục biên (1912) bằng Hán nôm, họ Phan Đình từ xưa đã thờ các vị đức tổ, tiên sinh là những vị văn quan, võ tướng, trong đó có cụ Hoàng giáp Thượng thư Bộ lại Phan Đình Tá.

Rước bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ và lăng mộ Phan Đình Tá.

Rước bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ và lăng mộ Phan Đình Tá.

Cụ sinh năm 1468 (không rõ năm mất), tại xã Phù Lưu (nay là xã Tân Lộc, Lộc Hà), đỗ Nhị giáp Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông (1499). Cụ xếp thứ 7 trong số 24 người đỗ năm đó và là một trong bốn Nhị giáp Tiến sỹ xuất thân khai khoa cho huyện Thiên Lộc xưa (Can Lộc ngày nay), góp phần làm rạng danh đất học Thiên Lộc.

Khoảng năm Quang Thiệu thứ 3 đời Lê Chiêu Tông (1518), Phan Đình Tá lĩnh chức Thừa Chánh sứ Nghệ An. Trong khoảng năm Thống Nguyên (1522-1526), cụ được phong chức Thượng thư Bộ lại, tức Lan Xuyên bá. Về sau, cụ làm quan cho nhà Mạc và giữ chức Thượng thư Bộ lại, được thay lời Mặc Đăng Dung soạn bài chiếu nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Trong thời gian này, cụ được triều đình phong tước hầu và “Lưỡng triều Thượng thư”.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL và huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ và lăng mộ Phan Đình Tá cho chính quyền địa phương và dòng họ

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL và huyện Can Lộc trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ và lăng mộ Phan Đình Tá cho chính quyền địa phương và dòng họ

Khoảng thập niên 30 của thế kỷ XVI cụ cáo quan về quê, nhưng trong thời kỳ này Lê – Trịnh phân tranh, bản thân cụ và dòng họ chịu sự nghiệt ngã của thời cuộc, nên cụ cùng một số con cháu phải bỏ đất Phù Lưu đến Trảo Nha sinh sống và hình thành nên họ Phan Đình, Trảo Nha (thị trấn Nghèn ngày nay). Cụ mất vào ngày mồng 1 tháng Giêng (năm chưa rõ), hiện nay mộ cụ táng ở xứ Ông Nông, dốc Cửa Dộc, phía Đông Nam đồi Nghèn với khuôn viên rộng 150m2.

Nhà thờ họ Phan Đình được xây dựng vào năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức, đời vua Lê Thuần Tông (1732). Tính đến nay đã được gần 300 năm, tọa lạc trên khu đất rộng 626 m2, qua nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ được vẻ nghiêm trang, cổ kính. Xuất xứ của dòng họ ở Châu Khê (núi Mã, xã Phù Lưu, nay là xã Tân Lộc, Lộc Hà), rồi đến Nghiện Thủy (sông Nghèn, thị trấn Nghèn ngày nay).

Việc công nhận bằng di tích lịch sử là niềm vinh dự to lớn cho dòng họ, là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính biết ơn đối với các bậc tiền nhân, giáo dục cho các thế hệ sau những nét truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc cũng như của quê hương, dòng họ.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast