Nghị quyết “tam nông” tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nghị quyết “tam nông” ra đời là động lực để ngành chăn nuôi Hà Tĩnh thực hiện tái cơ cấu, thu hút đầu tư theo hướng tập trung quy mô công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc.

Nghị quyết “tam nông” tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi ở Hà Tĩnh

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 114.713 tấn, tăng 120% so với năm 2008 (giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng bình quân 18,22%/năm)

Nhìn lại những năm trước 2008, chăn nuôi của Hà Tĩnh còn nhỏ lẻ, manh mún..., giá trị kinh tế thấp, thiếu bền vững. Tỷ trọng chăn nuôi chỉ đạt khoảng 20% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.

Sau khi Nghị quyết 26-NQ/TW và Nghị quyết 08-NQ/TU ra đời, tỉnh tập trung cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm đầu tư phát triển. Từ các chính sách “kích cầu”, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn, trang trại, gia trại... liên kết theo chuỗi... nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cẩm Xuyên được xem là điểm sáng trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư.

Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết: Từ năm 2011, việc ban hành các chính sách của tỉnh, huyện kịp thời, hỗ trợ mang tính kích cầu đã khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong đầu tư sản xuất chăn nuôi.

Qua đó, toàn huyện đã xây dựng thành công 48 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ tiến tiến vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, chăn nuôi trang trại công nghiệp tăng nhanh từ 6,2% (năm 2012) lên 41,1% (năm 2016), tỷ lệ lợn nái ngoại tăng từ 4% năm 2012 lên 15% năm 2016, tỷ lệ bò Zêbu và bò thịt chất lượng cao tăng từ 7% lên 41%.

Nghị quyết “tam nông” tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi ở Hà Tĩnh

Hiện đàn hươu trên toàn tỉnh đạt 33.315 con, tăng 72% so với năm 2008

“Nhìn chung, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện đã phát huy các thế mạnh về địa hình, đất đai, lợi thế để cơ cấu sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện chuyển dịch từ 33,02% năm 2008 lên 45,59% năm 2013 lên 54,94% năm 2017” – Ông Hà cho biết thêm.

Có thể khẳng định, trong 10 năm qua, Hà Tĩnh đã tạo được bước đột phá trong chăn nuôi. Điều đó được thể hiện từ sự quyết tâm chỉ đạo của tỉnh, quyết liệt triển khai của các địa phương về việc quy hoạch, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, hấp thu chính sách và sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Nghị quyết “tam nông” tạo bước đột phá cho ngành chăn nuôi ở Hà Tĩnh

Đến nay, tỷ lệ bò lai Zêbu, bò chất lượng cao chiếm 54% tổng đàn bò, tăng 4 lần so với năm 2008.

Đến nay, toàn tỉnh đã giao hơn 1.766 ha cho các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung. Trong đó, 209 cơ sở chăn nuôi lợn (881,8 ha) và 49 cơ sở chăn nuôi bò, gia cầm và chăn nuôi tổng hợp (884,2ha).

Đặc biệt, có 27 cơ sở được hỗ trợ chính sách xây dựng mới và mở rộng quy mô đàn nái theo Nghị quyết 90/2014/NQ-HĐND tỉnh với số tiền 46,7 tỷ đồng và hơn 20 tỷ đồng cho 14 cơ sở được hưởng chính sách của tỉnh theo Quyết định 2811/QĐ - UBND.

Theo ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y, trong giai đoạn 2013 – 2017, chăn nuôi Hà Tĩnh đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp. Hình thức chăn nuôi có nhiều chuyển biến tích cực, chăn nuôi trang trại phát triển nhanh về số lượng, tăng quy mô; tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các HTX, tổ hợp tác, mô hình liên doanh liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast