"Thầy lang" Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

(Baohatinh.vn) - Sau khi bôi dung dịch lỏng màu vàng lên lưng người bị chó cắn, một "thầy lang" ở Hà Tĩnh dùng kính lúp soi rồi "phán" người đó có mắc bệnh dại hay không. Dù cách kiểm tra bệnh dại "có một không hai" này là phản khoa học nhưng vẫn có nhiều người dân cả tin, tới chữa trị...

Chuyện thật như đùa

Người dân nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh, nhất là các vùng nông thôn, truyền tai nhau câu chuyện về ông Ngô Minh Hồ (SN 1947, trú ở xóm 3, Đại Yên, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) chuyên kiểm tra bệnh dại khi bị chó cắn. “Ông Hồ bệnh dại”, hay “ông Hồ kiểm tra bệnh dại” là 2 cụm từ người dân thường dùng để gọi "thầy lang" này.

“Thầy lang” Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

Vị "thầy lang vườn" Ngô Minh Hồ (ảnh nhỏ) chuyên kiểm tra bệnh dại tại nhà ở xóm 3, Đại Yên, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh

Để xác thực điều này, ngày 20/7/2019, chúng tôi tìm tới nhà ông Ngô Minh Hồ ở xóm 3, Đại Yên, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà. Không khó để tìm nhà ông Hồ, bởi hỏi từ già tới trẻ, họ đều biết và chỉ rõ địa chỉ nhà thầy lang này.

Trong vai một người bị chó nhà cắn, gây nên vết thương nhỏ ở chân phải (thực chất vết xước là do đi lại không cẩn thận), chúng tôi dễ dàng bắt chuyện được với ông Ngô Minh Hồ.

Theo quan sát, ngôi nhà của ông Hồ khá khang trang. Khu vực sân được lợp mái che, kê sẵn một chiếc bàn cùng nhiều ghế để cho khách tới thăm bệnh ngồi.

Ở phía trên tường, có kẹp sẵn tờ giấy khổ A4 ép plastic với nội dung: “Ông Hồ chuyên kiểm tra bệnh dại. Thời gian kiểm tra vào các ngày: thứ 5, thứ 7, chủ nhật. Buổi sáng từ 7h tới 11h. Trước khi đi kiểm tra không được uống bia, rượu, thuốc tây. Khi bị chó mèo cắn sau 3 ngày tới kiểm tra: Địa chỉ: ông Hồ, xóm 3, Đại Yên, Thạch Mỹ, Lộc Hà. Điện thoại: 036.305…”.

“Thầy lang” Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

Mảnh giấy được ép plastic được ông Hồ in ra, dán trên tường

Ban đầu, vị "thầy lang vườn" hỏi về thông tin "người bệnh", như: tên, tuổi, nơi cư trú, tình trạng bị chó cắn và ghi vào 1 cuốn sổ. Chúng tôi nói với ông Hồ là bị chó nhà cắn đã 7 ngày. Sau khi cắn người, con chó đã bỏ đi. Từ khi bị chó cắn, thấy trong người lo lắng, bồn chồn, khó ngủ...

Nghe chúng tôi trình bày xong, ông Hồ yêu cầu kéo áo lên ngang ngực, quay lưng về phía người này. Sau đó ông dùng chiếc kéo, kẹp bông trắng và nhúng vào dung dịch lỏng màu vàng rồi bôi khắp lưng người bị cho là bị chó cắn.

Khi thắc mắc về dung dịch loãng màu vàng, vị "thầy lang vườn" nói đó là thuốc (sau này ông nói thêm là cồn pha chế).

Ông Ngô Minh Hồ bôi dung dịch màu vàng và dùng kính lúp soi trên lưng khoảng 4-5 lần. Sau chừng 3 phút, vị thầy lang vườn phán câu thẳng thừng rằng: “Rồi, về lo đi tiêm, có virus dại rồi”(!).

“Thầy lang” Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

Sau khi dùng bông thấm dung dịch màu vàng và bôi lên lưng người bị cho là bị chó cắn...

“Thầy lang” Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

...vị "thầy lang vườn" dùng kính lúp soi khắp lưng rồi phán "có virus dại"

Ông Ngô Minh Hồ hướng dẫn tới tiêm ở Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lộc Hà. Vị "thầy lang vườn" không quên dặn việc phải kiêng đám tang, bởi “mắc hơi lạnh, con virus dại sẽ phát lên, nguy hiểm”.

Đề cập tới chuyện trả tiền kiểm tra bệnh dại, ông Ngô Minh Hồ nói rằng người bị (bệnh dại) không lấy tiền, không bị mới lấy tiền.

Phản khoa học

Quá trình trò chuyện, khi được hỏi về có từng học hay làm việc trong ngành y hay không, ông Ngô Minh Hồ trả lời rằng “có chứ...”. Theo vị "thầy lang vườn" này, ông “hành nghề” kiểm tra bệnh dại đã được 30 năm. Người tới nhờ ông kiểm tra ở khắp nơi của Hà Tĩnh, như Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn và cả TP Vinh (Nghệ An).

“Thầy lang” Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

Vết xước nhỏ ở chân do không cẩn thận trong quá trình đi lại nhưng ông Ngô Minh Hồ vẫn "phán" đã mắc virus dại

Trao đổi về cách kiểm tra bệnh dại “có một không hai” của ông Ngô Minh Hồ, Bác sĩ CKI Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) khẳng định: “Đó là phản khoa học, không bao giờ có cách kiểm tra bệnh dại như thế”.

“Thầy lang” Hà Tĩnh dùng kính lúp chẩn đoán... bệnh dại!

Bác sĩ CKI Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm khẳng định cách kiểm tra bệnh dại của ông Hồ là phản khoa học

BS Trung cho hay, để biết chính xác trường hợp nào đó có mắc bệnh dại hay không thì cần phải lấy mẫu rìa tóc hoặc dịch tủy sống để xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang.

Tuy nhiên, để làm được xét nghiệm này là ở tuyến Trung ương, còn địa phương như Hà Tĩnh chưa thực hiện được. Bên cạnh chi phí khá đắt, thì phương pháp này phải chờ lâu mới có kết quả, dẫn tới việc điều trị bị chậm trễ.

“Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau khi bị chó cắn, bắt buộc phải tới cơ sở y tế tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh. Tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị”, BS Nguyễn Chí Trung nói.

Theo BS Trung, việc tự ý chẩn đoán bệnh dại như cách ông Ngô Minh Hồ làm là rất nguy hiểm. Trường hợp bị mắc virus dại mà nói không sao, sẽ làm người bệnh chủ quan, ảnh hưởng tới sinh mạng một người.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại.

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, đặc biệt là từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Đây là khoảng thời gian thuận lợi để virus dại phát triển, dẫn đến nguy cơ bệnh dại bùng phát.

Trong năm 2018, Hà Tĩnh có 3.560 ca được tiêm vắc-xin phòng dại. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.329 ca.

Khi mắc bệnh dại tỷ lệ tử vong là 100%. Từ năm 2013 tới năm 2017, ở Hà Tĩnh có 8 trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn.

Ngay khi bị chó cắn, cần phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt. Hành động này giúp loại bỏ virus khỏi vết thương. Tiếp đó, rửa vết thương bằng xà phòng, hoặc bằng các thuốc diệt khuẩn như cồn, cồn i-ốt, rượu mạnh và sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế có tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast